Cơ Hội Tự Do cho Việt Nam_ Toàn Như

         image001                                                                                             – TOÀN NHƯ-

Ngày 9-11-2014, nước Đức tưng bừng làm lễ kỷ niệm 25 năm ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ và thống nhất nước Đức. Sự sụp đổ của bức tường Bá Linh cũng là khởi đầu cho thời kỳ chấm dứt Chiến Tranh Lạnh đã kéo dài từ sau Thế Chiến II.

Ngược dòng lịch sử, cũng vào ngày này 25 năm trước, sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh đã kéo theo sự tan rã của Liên Bang Xô Viết và sự vỡ vụn của Khối Cộng Sản Đông Âu. Nó như một hiệu ứng của chủ thuyết Domino đã có từ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh do tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower đề xướng. Thuyết này nhằm mục đích ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản tạiĐông Nam Á, mà Việt Nam là một quân cờ domino then chốt. Nếu miền Nam Việt Nam (VNCH) bị ngả vào khối cộng sản thì các nước khác trong vùng Đông Nam Á có thể bị ngả theo. Tuy nhiên, sau gần 40 năm thuyết Domino ra đời, sự sụp đổ của Liên Xô và Khối Cộng Sản Đông Âu, đã cho thấy nó đã ứng nghiệm (ngược) vào toàn khối cộng sản ở vùng đất Âu châu này.

Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ và khối cộng sản Đông Âu tan rã, nhìn về Việt Nam, nhiều người đã lạc quan (tếu) nghĩ rằng ngày tàn của chế độ cộng sản Việt Nam đã đang đến và một nước Việt Nam tự do sắp được hình thành. Thế nhưng chuyện ấy đã không xảy ra. Vào thời điểm đó, quân cờ domino Việt Nam vì ở xa “vùng phủ sóng” Đông Âu nên đã may mắn thoát nạn. Việt Nam cộng sản đã thoát nạn, phần vì do lợi thế địa lý ở xa tầm ảnh hưởng của Đông Âu, phần vì do tham vọng quyền lực của những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã khôn khéo tìm ra con đường thoát hiểm. Họ lo sợ cũng bị sụp đổ như Đông Âu nên đã vội vã tự nguyện xin trở lại làm chư hầu cho đàn anh Trung Cộng sau một thời gian hai nước gián đoạn bang giao vì cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979. Cuộc họp mật tại Thành Đô giữa Việt Cộng và Trung Cộng vào năm 1990 chính là để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai đảng. Cuộc mật nghị này vừa để giúp VC củng cố quyền lực, vừa để xin hậu thuẫn từ đàn anh phương Bắc một khi có nguy biến.

Mặc dù nội dung các thỏa thuận trong cuộc mật nghị Thành Đô 1990 giữa đôi bên đến nay vẫn chưa được chính thức công bố, nhưng đã có những tin đồn rằng, vì lo sợ cho sự tồn tại của Đảng, phía Việt Nam đã nhượng bộ quá mức, trong đó có điều khoản Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh hay vùng tự trị của Trung Quốc kể từ năm 2020 (?). Dư luận trong và ngoài nước đã rất bất bình, ồn ào lên án về việc này và đòi hỏi nhà nước cộng sản Việt Nam phải bạch hóa nội dung cuộc mật nghị, nhưng cho đến nay đảng cộng sản Việt Nam vẫn hoàn toàn giữ im lặng. Không trả lời mà cũng không đính chính. Thật là khó hiểu!

Việc đảng cộng sản Việt Nam có thỏa thuận tự nguyện dâng đất nước Việt Nam làm thành một tỉnh hay vùng tự trị thuộc Trung Quốc hay không, hiện chưa biết thực hư như thế nào. Nhưng rõ ràng kể từ sau hội nghị Thành Đô 1990, thái độ thần phục đến khiếp nhược của những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đối với Trung Cộng đã khiến người ta phải đặt câu hỏi. Phải chăng đã có một thỏa thuận ngầm như thế hay gần giống như thế khiến cho những lãnh đạo của cộng sản Việt Nam cứ phải ấp úng không nói ra lời?

Sự lệ thuộc và khiếp nhược trước Trung Cộng của đảng cộng sản Việt Nam không khỏi làm cho nhiều người phải âu lo cho hiểm họa mất nước đã cận kề. Thế nhưng, không biết những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đã thức tỉnh hay chưa? Liệu họ có thể thoát ra khỏi sự kềm tỏa của Trung Cộng, hay nói một cách khác là “thoát Trung” như đã có nhiều tiếng nói kêu gọi từ trong nước hay không?

Trước những sự lộng hành bức hiếp từ phía đàn anh Trung Cộng, mà cao điểm là vụ giàn khoan dầu Hải Dương HD-981 của Trung Quốc xảy ra vào giữa năm 2014, có vẻ như Việt Cộng đã “sáng mắt sáng lòng” về cái gọi là tình đồng chí “4 Tốt, 16 Chữ Vàng” gỉa dối của người đàn anh phương Bắc. Bài học mất nước của Tây Tạng và Tân Cương đang là những tấm gương trước mắt khiến cho những ai còn nặng lòng với đất nước dân tộc Việt Nam không khỏi băn khoăn lo ngại. Cái họa mất nước đối với Việt Nam như đang gần kề nếu những người cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục cái chính sách đang bị lên án là “hèn với giặc (TQ), ác với dân” như hiện nay.

Ngày nay, tình hình chính trị thế giới đang có những biến động phức tạp khiến cho Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang phải điên đầu đối phó. Nước Nga của tổng thống Putin đang trỗi dậy muốn giành lại vị thế siêu cường đã mất từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Lực lượng Hồi giáo qúa khích ISIS hay IS đang sử dụng chiến tranh khủng bố và kêu gọi Thánh chiến để tạo ra một nhà nước Hồi giáo qúa khích ở vùng Trung Cận Đông. Trong khi đó, Trung Cộng vẫn không từ bỏ tham vọng bá quyền bành trướng và đang tạo ra những căng thẳng tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông Việt Nam với các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam.

Những diễn biến chính trị phức tạp như thế đang diễn ra dồn dập. Tuy nhiên, mặc dù Trung Cộng tỏ ra hung hăng trong tham vọng bá quyền bành trướng nhưng chính trong khi phô trương lực lượng, họ đã để lộ ra những nhược điểm chứng tỏ họ chưa phải là một siêu cường số một thế giới. Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên Liêu Ninh của họ đã có những tai nạn kỹ thuật và vẫn chưa hoàn tất các công tác thử nghiệm. Về quân sự, Trung Quốc vẫn còn thua xa Hoa Kỳ về các loại vũ khí tối tân; thậm chí một số vũ khí, Trung Cộng còn phải mua của Nga trong đó có loại tàu ngầm Kilo (cùng loại Việt Nam mua). Bên trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc cũng đang có những đấu đá tranh giành quyền lực. Chủ trương “đả hổ diệt ruồi” của chủ tịch đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đang tạo nhiều luồng sóng ngầm chống đối trong đảng. Tất cả những điều đó đang chứng tỏ chính bản thân đàn anh Trung Quốc của Việt Cộng cũng đang bị suy yếu từ trong nội bộ. Liệu họ có còn đủ sức để che chở cho tên đàn em mà họ từng lên án là kẻ vong ân cần phải dạy cho một bài học bằng một cuộc chiến tranh ở biên giới Việt Trung năm 1979 hay không?

Để giúp Việt Nam thoát ra khỏi những ảnh hưởng lệ thuộc từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, với chính sách xoay trục về Châu Á, đang muốn lôi kéo Việt Nam về phía mình bằng cách thúc đẩy Việt Nam mở rộng dân chủ, tự do và nhân quyền và từng bước lánh xa Trung Quốc. Với chính sách “cây gậy và củ cà rốt” cố hữu, liệu Hoa Kỳ, lần này có thành công với VN hay không? “Cây Gậy” đây là Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gỡ bỏ hay không lệnh cấm bán vũ khí sát thương; còn “Củ Cà Rốt” là những khoản viện trợ không hoàn lại. Đó là những miếng mồi nhử để Việt Nam “thoát Trung” dễ dàng và hiệu qủa như Miến Điện sau hơn nửa thế kỷ bị cô lập và lệ thuộc Trung Quốc. Nhưng liệu điều này có thể ứng dụng cho Việt Nam hay không?

Theo thiển ý cá nhân, sớm hay muộn thì điều này cũng sẽ xảy ra. Việt Nam sẽ có tự do, dân chủ (có thể bị hạn chế một phần) nhưng không ai có thể khẳng định nó sẽ đến vào thời điểm nào. Tuy nhiên, trong một tương lai gần thì điều này là không thể vì những lý do sau.

Việt Nam hiện có một phương cách lãnh đạo không giống ai, đó là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Điều này có nghĩa là chẳng có người nào thực sự là lãnh tụ cả vì người phụ trách chỉ là người được tập thể tín nhiệm ủy thác, nếu tập thể hết tín nhiệm thì người đó sẽ thôi phụ trách, không phải là lãnh tụ. Ngay cả chức Tổng Bí Thư, một chức vị cao nhất trong đảng, nhưng trong thực tế cũng còn bị ràng buộc, hạn chế bởi những cơ chế chòng chéo trong đảng. Cơ chế của đảng cộng sản Việt Nam khiến cho họ chưa có một lãnh tụ có thực quyền mạnh mẽ để có thể có những quyết định đột phá cách mạng như Đặng Tiểu Bình của Trung Cộng  hay Gorbachev của Liên Xô cũ trong thập niên 1970, 1980.

Hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam giống như đảng cộng sản Trung Quốc, cũng đang có những tranh chấp quyền lực trong nội bộ nhưng chưa có phe nào đủ mạnh để vượt lên trên những phe phái khác. Phe Đảng quyền do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo với sự tiếp tay của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đang muốn triệt hạ phe chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà vẫn không thực hiện được. Cũng chính vì lý do đó mà trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị gọi với cái tên mỉa mai là đồng chí X.

Trước những bế tắc về quyền lực lãnh đạo như vậy, đã có ý kiến đề nghị cải tổ cơ cấu đảng cộng sản Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam cần có một lãnh đạo đủ mạnh để có thể thực hiện được những cải cách cần thiết. Để được như vậy, cần nâng cao vai trò của Tổng Bí Thư  trở thành Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch Nước như mô hình của đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng ý kiến này hình như vẫn còn lạc lõng chưa được hưởng ứng trong đảng cộng sản Việt Nam mà thành phần bảo thủ giáo điều hiện vẫn còn chiếm đa số. Họ lo sợ cho quyền lực của họ sẽ bị đe dọa một khi có sự thay đổi như vậy. Theo số đảng viên bảo thủ này, nếu ngả theo Mỹ thì sẽ mất Đảng; mà theo Trung Quốc thì có thể mất một ít đất nhưng quyền lực được củng cố. Theo họ, đất đai dù có bị mất mát một ít ở nơi biên giới hoang vu toàn núi với rừng, cũng chẳng nghĩa lý gì. Vì vậy, mong muốn Việt Nam có một lãnh tụ cấp tiến để làm một cuộc cách mạng giống như Boris Yeltsin và Gorbachev của Nga trong thời điểm này ở Việt Nam qủa là một điều hoang tưởng.

Nếu không có một lãnh tụ nào đủ mạnh để làm một cuộc cách mạng cho Việt Nam thì chỉ còn hy vọng ở sức mạnh của quần chúng. Trong những năm gần đây, tại nhiều nơi trên thế giới, lực lượng quần chúng đã chứng tỏ được sức mạnh làm nên nhiều cuộc cách mạng. Từ cuộc cách mạng hoa lài ở Thổ Nhĩ Kỳ, đến cách mạng mùa xuân Ả Rập ở Ai Cập, rồi cuộc cách mạng xanh ở Ukraine. Tất cả đều là những cuộc cách mạng tự phát nổi lên từ quần chúng đã lật đổ những chính phủ độc tài lâu năm tại những quốc gia này, mang lại tự do dân chủ cho người dân.

Nhưng ở Việt Nam thì sao? Quần chúng ở Việt Nam hiện nay gồm có ba lực lượng nòng cốt là nông dân, công nhân và thanh niên sinh viên học sinh. Liệu ba lực lượng này có thể làm nên một cuộc cách mạng cho VN hay không? Theo tôi, trong thời điểm này, thật khó để có thể huy động được ba lực lượng này thành một tập thể có một ý thức chính trị vững mạnh đủ để có thể làm thay đổi chế độ.

Trước hết, nói về lực lượng quần chúng nông dân. Việt Nam là một nước nông nghiệp, nông dân sống gắn bó với đồng ruộng, rải rác ở làng quê, rất khó để có thể tập hợp được một số lượng đông đảo lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn người. Chúng ta đã thấy, từ cả chục năm nay, số lượng dân oan, phần lớn là những nông dân – nhiều lắm cũng chỉ vài chục đến vài trăm người –  liên tục biểu tình khiếu kiện đất đai ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành nhưng vẫn chẳng được kết qủa gì. Thậm chí họ còn bị đàn áp dã man và có người còn bị bắt bỏ tù về tội “lợi dụng dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”. Cho nên, nông dân không thể là lực lượng làm nên lịch sử, ít ra là trong thời điểm này.

Lực lượng quần chúng lớn thứ hai là giới công nhân. Lực lượng này tuy đông nhưng không có một người lãnh đạo, không có một tổ chức công đoàn độc lập để thống nhất liên kết hành động nên bị phân tán, thiếu đoàn kết. Mặc dù ở Việt Nam đã từng có những cuộc biểu tình, đình công của hàng ngàn công nhân nhưng đa số chỉ diễn ra ở những công ty, xí nghiệp của người ngoại quốc. Các cuộc biểu tình hay đình công nói trên phần lớn chỉ liên quan trực tiếp đến những quyền lợi thiết thân của người công nhân như phản đối giới chủ nhân bóc lột, đòi tăng lương, đòi giảm số giờ lao động, đòi cải thiện môi trường làm việc, đòi bảo hiểm sức khỏe, v.v… Không có những cuộc xuống đường nào của công nhân mang một ý nghĩa chính trị như chống độc tài, chống áp bức, đòi bầu cử tự do, đòi thành lập nghiệp đoàn. Người ta nghi ngờ những cuộc biểu tình hay đình công này có thể là sự cho phép ngầm của nhà nước để áp lực với các nhà đầu tư ngoại quốc, bởi vì các công ty quốc doanh thì hầu như chưa bao giờ có đình công. Ngay cả cuộc biểu tình dẫn đến bạo động chống Trung Cộng nhân vụ giàn khoan HD-981 trong tháng 5-2014 cũng là một sự ngầm cho phép của nhà nước. Các công nhân tham gia phần lớn chỉ lợi dụng thời cơ, a dua, không có tổ chức, nhằm để trả thù, phá phách, hôi của nhiều hơn là để biểu lộ lòng yêu nước, chống Trung Cộng, chống ngoại xâm. Cho nên với một lực lượng ô hợp như thế, trong một tương lai gần, thật khó để tập hợp thành một khối đồng nhất có thể làm thay đổi xã hội.

Sau cùng là lực lượng thanh niên sinh viên học sinh hay giới trẻ. Ngoài một thiểu số có những ưu tư trăn trở về hiện tình đất nước, số còn lại đa số hiện nay đều thờ ơ, chỉ chú tâm vào việc học hành, đầu óc thực dụng, chỉ khao khát tiền bạc và công danh, mưu tìm kiếm sinh kế và vui chơi giải trí hơn là quan tâm đến thời cuộc, ý hướng thay đổi xã hội. Trong những cuộc xuống đường chống Trung Cộng ở trong nước gần đây, sự hiện diện của giới trẻ rất là hiếm hoi. Thái độ thờ ơ với thời cuộc nhưng lại hào hứng với những thú vui giải trí của giới trẻ hiện nay là một điều đáng quan ngại. Những cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ hay chống Trung Cộng xâm lược thì vắng vẻ, không được những người trẻ tham gia hưởng ứng; nhưng họ lại sẵn sàng đổ xô đi tìm đến những tụ điểm vui chơi một cách rất nhiệt tình. Chẳng hạn như tháng 11-2014 vừa qua, khi khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương tuyên bố cho vào cửa miễn phí trước khi khu này sẽ đóng cửa vĩnh viễn (?) đã khiến cho hàng trăm ngàn người, trong đó đa số là những người trẻ, đã rủ nhau kéo đến đông nghẹt làm cho các con đường dẫn đến nơi này đã bị tắc nghẽn giao thông dài cả cây số. Cảnh tượng này không khỏi làm cho nhiều người ngao ngán khi liên tưởng đến cuộc xuống đường đòi bầu cử tự do trong tháng 9-2014 vừa qua của các sinh viên học sinh Hong Kong. Cuộc biểu tình ở đó có lúc đã lên đến hàng trăm ngàn người mà chỉ do anh sinh viên Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) mới 17 tuổi tổ chức lãnh đạo.

Ngoài ba thành phần quần chúng chủ yếu nói trên, còn phải kể đến lực lượng tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam. Việt Nam tuy là một quốc gia đa tôn giáo, nhưng không có một tôn giáo nào có ảnh hưởng vượt trội. Vì vậy, thành phần này có phần nào bị hạn chế. Phật giáo tuy là tôn giáo có số tín đồ đông nhất (khoảng 80%) nhưng lực lượng phân tán. Phật giáo mặc dù có một giáo hội thống nhất nhưng lại dưới sự chỉ đạo của đảng (giáo hội quốc doanh); còn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có từ dưới thời VNCH thì bị cô lập cấm hoạt động nên khó phát huy tác dụng. Công giáo có số tín đồ ít hơn (khoảng 10%), kỷ luật hơn, nhưng lại bị ràng buộc bởi tín lý “đức vâng lời” nên cũng bị giới hạn nếu không có sự cho phép của đấng bề trên (hội đồng giám mục, tòa thánh Vatican). Các tôn giáo khác như Phật Giáo Hòa Hảo hay Cao Đài, mặc dù có kinh nghiệm đấu tranh (chống Pháp và chống cộng) nhưng số tín đồ chỉ giới hạn ở miền đồng bằng Nam bộ nên khó có thể có ảnh hưởng trên toàn quốc. Còn giáo hội Tin Lành với qúa nhiều hệ phái, lực lượng bị phân tán, nên không đáng kể.

Nhìn vào các lực lượng quần chúng như trên qủa là bi quan cho một tương lai của Việt Nam. Cơ hội để cho Việt Nam trở thành một đất nước có tự do, dân chủ như có vẻ còn xa vời. Thật ra, Việt Nam đã có đôi lần bỏ lỡ cơ hội trở thành một quốc gia tự do, từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Vào giữa thập niên 1980, Việt Nam khi đó còn là một đồng minh thân thiết của Liên Xô, khi chính sách đổi mới “glasnost” của Liên Xô ra đời, tưởng đâu Việt Nam đã theo gương Liên Xô mang đến một luồng gió mới tự do, dân chủ. Nhưng rất tiếc ngày đó Việt Nam đã ngoảnh mặt, chối từ. Một cơ hội khác là khi khối cộng sản Đông Âu sụp đổ, Việt Nam đã không có một phong trào quần chúng nào đủ mạnh để lật đổ đảng cộng sản VN khi đó đang lúng túng, trước khi để họ tái liên minh với Trung Cộng (qua hội nghị Thành Đô 1990).

Ngạn ngữ phương Tây có câu “Freedom is not Free” (Tự Do không phải là Miễn Phí); ý nói tự do không phải tự nhiên mà có, người ta phải tranh đấu, đổ mồ hôi, xương máu mới có được. Tình hình ở Việt Nam cũng vậy. Tự Do không ai có thể ban tặng cho miễn phí nếu chúng ta không tranh đấu đòi hỏi. Chúng ta không thể cứ ngồi đó than trách Việt Nam độc tài, thiếu dân chủ, không có tự do. Nếu mong đợi một sự chuyển hướng trong chính sách của những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam để có tự do dân chủ thì có lẽ sẽ không bao giờ có.

Tuy nhiên, mặc dù có những bi quan về tương lai của Việt Nam, chúng tôi vẫn nghĩ rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có tự do, dân chủ trong một tương lai nào đó. Dù không nghĩ nó sẽ đến trong một tương lai gần, nhưng có thể nó cũng sẽ không xa lắm. Có người e ngại sợ rằng Trung Cộng sẽ không để cho Việt Nam thoát Trung, từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Sự lo ngại đó là một sự mặc cảm tự ti trước người khổng lồ phương Bắc. Tại sao không nhìn sang Miến Điện? Miến Điện mặc dù bị cô lập và lệ thuộc vào Trung Quốc trên nửa thế kỷ, nhưng họ vẫn mạnh dạn thoát ly ra khỏi vòng tay Trung Quốc và đang từng bước cải thiện để trở thành một đất nước độc lập, có tự do, dân chủ được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ. Vậy tại sao Việt Nam lại không là một quốc gia thứ hai noi gương Miến Điện ? Chúng ta hãy chờ xem !

TOÀN NHƯ

 

Bài này đã được đăng trong Tin Tuc Nội Bộ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.