PHAN QUANG NGHIỆP
“TOẠ TRUNG ĐÀM TIẾU NHÂN NHƯ MỘC“
Một câu thơ trong bài“ Anh Giả Điếc “ của Nguyễn Khuyến mà Thầy VT Đàm Trung Mộc hay nói với chúng tôi : “ Các cậu cứ nhớ câu thơ nầy là nhớ đến tôi, trong đó có đầy đủ tên , họ và chữ lót của tôi : TOẠ TRUNG ĐÀM TIẾU NHÂN NHƯ MỘC”
Bây giờ sau hơn 50 năm anh chị em khoá 1 HVCSQG chúng tôi gặp lại nhau và nhớ đến Thấy ,nhớ đến câu thơ mà Thầy đã nói . Ngẫm nghĩ nhiều khi chỉ một cái tên, một câu thơ vô tình nào đó nó lại quyện vào mình như một ám ảnh suốt cuộc đời Câu Thơ “ Toạ Trung Đàm Tiếu Nhân Như Mộc “ nó vô tình gồm đủ cả tên họ và chữ lót ĐÀM TRUNG MỘC của Thầy mà không biết có phải vì lẻ đó mà nó đeo đẳng theo Thầy suốt cuộc đời : Thầy đã nhiều lần phải đóng vai Anh Giả Điếc ?
Đây là bài thơ có nhan đề “ ANH GIẢ ĐIẾC “ của Cụ Nguyễn Khuyến nguyên văn như sau :
Anh giả điếc -Nguyễn Khuyến-
Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ “sáng tai họ, điếc tai cày”,
Lối điếc ấy sau này em muốn học.
Toạ trung đàm tiếu, nhân như mộc
Dạ lí phan viên, nhĩ tự hầu. (1)
Khi vườn sau, khi ao trước; khi điếu thuốc, khi miếng trầu.
Khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu;
Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc
Điếc như thế ai không muốn điếc?
Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!
Hỏi anh, anh cứ ậm à.
(1)Hai câu chữ Hán ý nói: khi mọi người ngồi nói chuyện và cười cợt thì ngây ra như gỗ, nhưng đêm khuya leo trèo thì lanh lẹ như con khỉ.
Bài thơ nói lên một phần nào cái tính phản kháng tiêu cực của một kẻ sỹ bất phùng thời : ngồi giữa một đám đông nói nói cười cười một cách vô tư lự biết chúng là một phường vô lại ,chẳng ra gì mà mình thì không thể biểu đồng tình nhưng cũng không dám phản kháng mà chỉ biết giả điếc thôi, sự phản kháng quả nhiên là tiêu cực vậy .
Thầy là một cây cổ thụ trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia ,có học vị cao, có ngạch trật lớn nhất trong ngành, thế mà có lúc Thầy phải bị đày làm nhân viên cho một Ty Cảnh Sát địa phương nhỏ bé xa xôi.
Thầy đã phải đóng tròn vai anh iả điếc.
Có lúc Thầy phải ngồi nhổ râu cằm mà nghe hiểu thị từ một anh võ biền nào đó mà sự hiểu biết về ngành CSQG chẳng là bao ! Thầy cũng đã giả điếc mỉm cười cho qua chuyện.
Có lúc Thầy bị tách ra khỏi môi trường Cảnh Sát Quốc Gia biệt phái qua Bộ Nội Vụ ngồi chơi xơi nước Thấy lại giả điếc một lần nữa.
Đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có người hỏi tại sao Thầy không đi ? Thầy đã nói rằng Thầy đã từng dạy học trò của Thầy là thân làm tướng phải chết theo Thành nếu không giữ được Thành, nên Thày tuy không là tướng nhưng Thầy quyết định ở lại,để rồi chịu chung số phận với hầu hết học trò của Thầy. Trong tù Thầy đã nhắc anh em chúng tôi bài thơ “Anh Giả Điếc “để rán mà nín thở qua sông :
Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ “sáng tai họ, điếc tai cày”,
Lối điếc ấy sau này em muốn học.(Nguyễn Khuyến)
Chúng tôi cùng Thầy đóng tròn vai anh giả điếc …cứ ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây ,… sáng tại họ điếc tai cày… giúp chúng tôi rất nhiều trong những năm tháng dài đăng đẳng lao động khổ sai trong các trại tù khắc nghiệt của cộng sản mà thân phận chúng tôi bị dày vò như miếng giẻ rách
Bạn phải đăng nhập để bình luận.