Hồi Kết của Đời Người – Bài của Dâu K1

“HỒI KẾT” CỦA ĐỜI NGƯỜI

Hai tuần kể từ sau lễ Độc Lập The Fourth of July là thời gian tôi chìm đắm trong nỗi tiếc thương, hụt hẫng và lắng đọng tâm tư do sự ra đi rất bất ngờ của một người bạn thân và một người bạn tâm giao rất thân của tôi. Trong hai tuần lễ liên tiếp, vợ chồng chúng tôi đã dành trọn hai ngày cuối tuần để thăm viếng và tham dự hai tang lễ thật cảm động.

Cả hai người bạn đều từ giã mọi người thân với hai triệu chứng cướp mạng sống nhanh nhất là trụy tim và đột quỵ. Người bạn với chứng trụy tim đã ra đi rất nhanh trong vòng tay của chồng mình chỉ trong một phút. Chúng tôi quen nhau vì cùng là người tỵ nạn được định cư theo diện tù nhân chính trị. Gia đình chị đến Mỹ chỉ sau chúng tôi vài tháng. Đây là gương điển hình của sức làm việc vượt khó khăn để đi đến thành công của một gia đình người Việt tỵ nạn cộng sản. Anh chị đều có vóc dáng nhỏ nhắn. Bạn bè thường gọi đùa là “ đôi vợ chồng chim chích”, nhưng rất nhanh nhẹn, tháo vát và có sức làm việc cần cù của người dân miền Trung “đất cày lên sỏi đá”. Cả hai cô con gái đầu, ngày xưa là hai cô bé đã có lần cùng với mẹ ngồi trên yên phía sau. Phía trước, trên tay lái của chiếc xe đạp còn trĩu nặng mấy cái bị cói gói ghém các món lương khô tích lũy từ những chắt chiu, vất vả của một thiếu phụ vừa mới ngoài hai mươi tuổi đi thăm nuôi chồng trong tù. Khi phải vượt qua một ngọn đồi thì chị đuối sức lắm rồi không thể dắt xe đạp lên dốc nổi nữa, phải bỏ cháu lớn xuống để cho cháu đi bộ. Con bé cong chân lại, không chịu đi. Chị phải phát vào mông cháu một cái thật đau. Con bé vừa khóc vừa lúp xúp chạy theo mẹ. Thế là cả ba mẹ con cùng khóc ròng cho đến khi vào đến cổng trại giam!

Nhờ được “huấn luyện” từ bé và thấu hiểu được cảnh khổ cực của bố mẹ nên các con chị rất ngoan, cố gắng học hành rất chăm chỉ và ra sức làm việc để vươn lên. Hai cháu lớn ngoài những ngày đi học đều cùng nhau dành hai ngày nghỉ cuối tuần để phụ với mẹ ra chợ trời bán hàng. Tất cả năm người con của anh chị đều thành công với các nhà hàng ăn nổi tiếng. Để cho các con yên tâm làm việc, căn nhà của chị trở thành nhà trẻ vô thời hạn cho các cháu nội, cháu ngoại. Tình thương yêu các con của chị còn thể hiện qua việc sẵn sàng đưa về nhà mình hoặc đến tận nhà chăm sóc cho cả hai mẹ con của các cô con gái, con dâu ngay sau thời gian sinh nở.

Gia đình riêng của chị là những Phật tử thuần thành nhưng chị đã theo đạo Công giáo sau khi cảm nghiệm được những ơn lành của Chúa và Đức Mẹ đã ban cho gia đình anh chị. Bên cạnh lòng hy sinh vô bờ bến cho chồng con, chị còn thể hiện lòng bác ái qua những công việc từ thiện gửi tiền về giúp đỡ người nghèo và giáo xứ tại quê nhà. Chị cũng đã dặn dò trước là sẽ dành cơ phận để hiến tặng cho các bệnh nhân. Tuy nhiên vì là nội tạng của người lớn tuổi nên bệnh viện chỉ muốn để lại làn da trắng hồng mịn màng của chị dùng để hiến tặng cho những bệnh nhân bị ung thư da.

Sự ra đi bất ngờ của chị dù rằng đã để lại bàng hoàng, thường tiếc cho người thân và bạn bè nhưng lại là một cái chết lành vì không hề phải chịu đựng sự đau đớn nào, một cái chết đẹp vì ra đi ngay trong vòng tay của người chồng thân yêu.

Sự ra đi của người bạn tâm giao của tôi cũng là một cái chết bất ngờ vì không kịp nói một lời nào đối với người thân yêu. Tuy nhiên khi đan kết những sự kiện, những tâm sự được chị gửi gấm, tôi thấy hình như chị có một sự linh cảm trước về sự ra đi của mình.

Chúng tôi kết thân với nhau từ khi bắt đầu bước vào nghề dạy học tại Mỹ và lúc đầu được phân công dạy tại cùng một trường tiểu học. Với khối óc thông minh và tinh thần sáng tạo nhạy bén chị đã giúp tôi rất nhiều trong việc khai triển phương pháp dạy học sao cho linh hoạt, sáng chế các dụng cụ dạy học đơn giản mà hữu hiệu. Chị cũng “cố vấn” cho tôi phương cách khi có vấn đề với các học sinh cá biệt, với các phụ huynh, ngay cả đối với hiệu trưởng. Chúng tôi thân nhau như hai chị em và thường xuyên tâm sự với nhau những tâm tư, tình cảm trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Chị cũng là một “tân tòng”, chị đã gia nhập hội thánh Công giáo vào năm 1985. Sau đó chị đã trở thành một tông đồ rất nhiệt thành tham gia các phong trào Legio Marie, Lòng Chúa Thương Xót, Thăng Tiến Hôn Nhân, hướng dẫn lớp Giáo Lý Tân Tòng, và đã cùng tôi dạy một năm cho lớp Giáo Lý cho các cháu lớp 7 là lớp chuẩn bị chịu phép Thêm Sức. Tuy rằng ngoài xã hội chị rất năng động và thành công nhưng lại có nhiều khúc mắc trong gia đình. Trước hết, việc chị theo đạo Công giáo đã đem lại sự buồn lòng cho người mẹ của chị. Tiếp theo là sự khác biệt giữa hai ý thức hệ “quốc, cộng” là một vấn nạn xảy ra trong hầu hết các gia đình người Việt sống tại miền nam Việt Nam từ sau 1975. Chị cho rằng thật khó để tìm sự đồng cảm khi đảng cộng sản cầm quyền ra sức thuần hóa người dân như những chú ngựa cho họ quen với nếp sống bị chủ nuôi che hết hai bên mắt để chỉ được nhìn ngắm những gì cho phép nhìn, di chuyển trên những đoạn đường đã được chỉ định và tự hài lòng với các phần thực phẩm cỏ khô do chủ nhân phân phát cho.

Khi về thăm gia đình đang sinh sống tại miền bắc, đặc biệt là khi đến với gia đình những thân nhân từ miền bắc đã được vào miền nam sau năm 1975, chị thấy họ rất tự hào về những tiến bộ so với những cơ cực trong chiến tranh. Tất cả những góp ý xây dựng về cách quản lý, những tiêu cực của lãnh đạo để đưa đến tình trạng tham nhũng như một quốc nạn, để chỉ ra những áp bức , bất công đang áp đặt trên vai người dân nghèo trong nước đều bị gán cho là phản động, vọng ngoại! Đáng buồn nhất khi sự khác biệt ý thức hệ xảy ra trong cùng một gia đình, một mái ấm, nơi mọi người cần được nghỉ ngơi bồi dưỡng cả về tinh thần lẫn thể xác. Nhất là trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay.

Trong gia đình tại nước Mỹ thì khuynh hướng chính trị cũng lại đem đến những tranh luận, thậm chí chia rẽ giữa anh chị em với nhau. Chị và cậu em trai đã có những bất đồng khi tranh luận gay gắt giữa việc ủng hộ hai đảng phái chính trị lớn tại Mỹ khiến hai chị em không muốn liên lạc với nhau suốt hai năm qua. Rất may mắn là hai chị em đã làm hòa lại với nhau và chị mất trong thời gian cậu em từ nam Cali lên thăm.

Khoảng thời gian trước khi ra đi, chị gọi điện thoại rất thường xuyên vào buổi trưa là lúc tôi được rảnh rỗi không bận việc kiểm soát việc học của hai cháu ngoại. Chị bày tỏ những lo âu về tình trạng sức khỏe sa sút của cả hai anh chị, những trăn trở trong gia đình, nhất là những lo âu về thời cuộc và cho thế hệ tương lai con cháu. Chị thường nói đùa:”Lan cứ chịu khó làm cái thùng để nghe mình đổ rác nhé!”.

Ngày July 4th sau khi đi thăm gia đình hai cô em, trên đường từ Sacramento về nhà, chúng tôi còn nói chuyện với nhau qua cellphone. Thế nhưng câu chuyện vẫn còn dang dở và tôi còn hẹn để gọi lại cho chị. Hôm sau thì chị bị đột quỵ rồi hôn mê bốn ngày sau chị đã vĩnh viễn ra đi!

Trong một tuần lễ đón nhận liên tiếp hai cái chết bất ngờ của hai người bạn làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Có một định đề của Socrates:”Làm người ai cũng phải chết! Socrates là người nên Socrates phải chết!” Cơn nhân tai đại dịch còn đang cướp đi sinh mạng của hàng triệu người! Rồi những thiên tai vẫn đang xảy ra khắp nơi trên thế giới. Thế mà hình như không mấy ai chuẩn bị, hay ít ra là nghĩ đến sự mỏng manh của thân phận làm người.

Tôi vừa chứng kiến hồi kết cuộc đời của hai người bạn đồng trang lứa. Một người cả đời tập trung tâm sức và thời gian hoàn toàn cho gia đình và hầu như không vướng mắc gì vào những tranh luận về thời cuộc. Một người chia sẻ bớt đi tâm sức và thời gian cho những hoạt động cộng đoàn, xã hội và trước khi ra đi vẫn còn những nỗi lo lắng, trăn trở. Tôi học được bài học gì đây? Tôi sẽ trang bị hành trang gì và cần buông bỏ những gì để tập sống theo lời dạy “kính Chúa, yêu người”? Để từ đó tìm ra được điểm quy hướng chính cho quãng đời còn lại để được thanh thản tiếp bước trên hành trình đi đến đích điểm là cõi vĩnh phúc đời đời.

Lê Phương Lan (Dâu K1)

Bài này đã được đăng trong Tin Tuc Nội Bộ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.