VÌ ĐÂU NÊN NỖI
Tháng Tư! Bây giờ là tháng Tư! Tục ngữ Việt Nam có câu: “Miếng ngon nhớ lâu. Niềm đau nhớ đời”! Niềm đau của thời kỳ nội chiến và nhất là thời hậu chiến sau ngày 30 tháng 4 vẫn còn sâu đậm đến nỗi vẫn còn có một vách ngăn chưa thể vượt qua được hay sao? Vì đâu nên nỗi?!
Người dân Việt bản chất là một dân tộc hiền hòa, hữu thần. Từ ngàn xưa, tổ tiên ta đã thờ đạo Mẫu và để lại cho con cháu những lời dạy chan chứa tình người: “Ở sao có đức có nhân, mới mong đời được hưởng ân lộc Trời” Cha ông chúng ta luôn dạy bảo con cháu phải “Làm lành tránh dữ”, sợ rằng sẽ bị “quả báo”, “ác giả ác báo” vì tin tưởng vào sự thưởng phạt của Ông Trời, “chạy Trời không khỏi nắng” vì ”Ông Trời có mắt” và rằng “Lưới Trời tuy thưa nhưng khó thoát”!
Qua hàng ngàn năm dưới ách đô hộ của Trung Hoa cho nên về tư tưởng thì người Việt chúng ta đã chịu ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử mà giữ lấy chữ “nhân” làm đầu. “Nhân là đầu các điều thiện, là chủ hồi dưỡng sinh của vạn vật” và là nhân cách đầu tiên trong ngũ thường “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Lòng nhân đạo của người Việt Nam đã được thể hiện rõ nét qua bài “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo”.
Về tín ngưỡng thì trước khi tiếp xúc với phương Tây, tôn giáo chính của người Việt là Phật giáo. Phật Thích Ca là thái tử Tất Đạt Đa. Tên dòng họ Ngài là Gotama (Cổ Đàm) có danh hiệu là Sakya (Thích Ca) Thái tử dù sống trong nhung lụa vẫn nghiệm thấy là con người ai cũng không thể thoát khỏi cảnh già nua, đau bệnh rồi chết . Những hình ảnh siêu thoát của vị tu sĩ giúp thái tử sớm thấy được con đường giác ngộ để dẫn đến niết bàn bất tử. Chủ trương của Phật giáo là:
1- Chủ trương từ bi hỷ xả đối với các sinh linh.
2- Con người đều có Phật tánh, ai cũng có thể thành Phật.
3- Muốn tiến tới niết bàn phải giải thoát con người qua luật nhân quả và vòng luân hồi.
Đức Phật đã phân tích nguyên nhân của đau khổ là do thập nhị nhân duyên:
1- Vô minh (mê lầm, tăm tối).
2- Hành (hành động khiến gây ra nghiệp)
3- Thức (phân biệt đúng sai)
4- Danh sắc ( nhận dạng được hình, sắc)
5- Lục nhập (6 căn tội)
6- Xúc (tiếp xúc)
7- Thọ (tiếp nhận cảm giác)
8- Ái (tham vọng)
9- Thủ (nắm giữ)
10- Hữu
11- Sinh và 12- Tử
12 nhân duyên này quan hệ với nhau buộc ta vào vòng luân hồi.
Thiên Chúa Giáo đã được giới thiệu vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 16. Trong Thiên Chúa Giáo sự hiện hữu của Thượng Đế là hiển nhiên, hằng hữu. Sự tương quan giữa con người và Thượng Đế theo ba ý niệm sau đây: Sự Sáng Tạo – Lẽ Công Bằng – và Tình Thương.
Kinh Thánh mở đầu bằng sự khẳng định Đức Chúa Trời dựng nên vũ trụ, vạn vật và con người. Con người là công trình sáng tạo sau cùng của Thiên Chúa và được Ngài trao ban cho một món quà quý giá nhất là sự tự do. Nhưng rồi món quà này đã bị lạm dụng và con người đã đánh mất Thiên Đàng do lòng kiêu ngạo là căn nguyên tội lỗi dẫn đầu trong “Bảy Mối Tội Đầu”.
Tuy nhiên theo sau lẽ công bằng là tình thương. Thiên Chúa đã hứa sẽ ban cho loài người một Đấng Cứu Thế sẽ chịu sát tế như một con chiên để chuộc lại lỗi lầm ban đầu của tội nguyên tổ và dùng tình thương để cảm hóa, để đẩy lùi tội ác ra khỏi nhân loại.
Đức Giê Su đã từ bỏ ngai trời xuống thế làm người, nhập thế hành đạo trong một hoàn cảnh nghèo khổ như chưa từng có ai nghèo khổ hơn! Những bài học về lòng yêu thương, bác ái trong lời giảng dạy của Ngài thường là qua các dụ ngôn. Giáo lý của Ngài tập trung vào hai điều: “kính Chúa và yêu người”. Ngài không đến để xóa hết đau khổ. Ngài cũng không giải thích nguyên nhân của sự đau khổ mà bằng chính cuộc sống của mình Ngài đã chứng minh rằng trong đau khổ con người vẫn tìm ra được niềm bình an, hạnh phúc một khi ta đón nhận và cải hóa sự đau khổ, hay nói cách khác là khi ta đã biết thánh hóa sự đau khổ để biến “thập giá trở nên thánh giá”. Cái chết của Đức Giê Su là một tấm gương cao cả cho sự hy sinh tuyệt đối trong quan niệm yêu thương, bác ái của Thiên Chúa Giáo. Tín đồ Thiên chúa Giáo hay người Công giáo cách riêng tin rằng con người chỉ có một cuộc đời để sống, để lập công đức bằng việc thực thi thương yêu, bác ái với mọi người ta tiếp xúc. Và phần thưởng cho người sống công chính là một đời sống viên mãn, vĩnh hằng trên thiên đàng.
Như đã nói trên, khi sử dụng quyền tự do được trao ban, những con người với sự ngạo mạn, vẫn chống lại những điều thiện hảo để tiếp tục gây ra tội ác, để tự hủy diệt lẫn nhau. Vào thế kỷ thứ 19, một người gốc Do Thái sinh ra tại Đức tên là Karl Marx đã lập ra một học thuyết mà sau này được áp dụng như một thứ tôn giáo mới tại các nước cộng sản. “Đạo” của Karl Marx đã đi ngược hoàn toàn với tín lý Thiên Chúa Giáo. Tín lý Thiên Chúa Giáo dạy tình yêu thương, lòng bác ái và tha thứ, dẫn đưa nhân loại đến sự thật. “Đạo” Karl Marx dạy hận thù, độc ác, dối trá, đấu tranh giai cấp với mục đích chia rẽ, phân hóa để thống trị loài người, quảng bá quan điểm vô thần, một giả thuyết có nguồn gốc từ Tây phương nhưng đã bị chính các nhà khoa học Tây phương hoài nghi. Von Braun, nhà khoa học không gian hiện đại đã từng viết: “Sự thần kỳ và vô biên của vũ trụ chỉ có thể chứng thực cho đức tin của chúng ta rằng chắc chắn có Đấng Sáng Thế”.
Văn hóa truyền thống Á Đông nói chung luôn coi trọng tín ngưỡng, coi trọng mối quan hệ hài hòa giữa “Thiên-Địa-Nhân”, nhưng kể từ khi du nhập “đạo” Karl Marx vào thì các đảng cộng sản đứng đầu là đảng cộng sản Trung Quốc ra sức nhồi nhét chủ thuyết vô thần, cổ súy triết học đấu tranh theo như tuyên ngôn của Mao Trạch Đông: “Đấu với trời là niềm vui vô tận! Đấu với đất là niềm vui vô tận! Đấu với người là niềm vui vô tận!”
Đối với dân tộc Việt Nam từ 1945 cho đến sau 1975 niềm đau dẫu cho không muốn nhớ đời nhưng đến những ngày giỗ, Tết những nén hương vẫn còn được thắp trên bàn thờ để cầu siêu, xin lễ cho hàng triệu sinh linh, những oan hồn uổng tử đã chết trong cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc, trong cuộc nội chiến, trong Tết Mậu Thân, trên đại lộ kinh hoàng, trong các trại tù cải tạo, trên đường vượt biên, vượt biển!
Suy cho cùng thì vách ngăn chia cách lòng người chính là sự độc ác, dối trá, hận thù! Một khi con người biết sống với lòng nhân, với sự thiện tâm tin rằng: “trên đầu ba thước có thần linh” để tránh sự quả báo , thoát kiếp luân hồi. Khi con người tin rằng sẽ có sự thưởng phạt theo lẽ công bằng thì những hành động bạo tàn, những âm mưu nham hiểm sau cùng cũng sẽ bị xét xử bởi một đấng Thượng Đế công minh. Khi “Bát Chánh Đạo” của Phật Giáo và “Mười Điều Răn” của Thiên Chúa Giáo được làm ánh sáng soi đường. Và rồi ra lời dạy của các tôn giáo chân chính sẽ xóa bỏ được vách ngăn giữa người với người.
Lê Phương Lan
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Có liên quan
Bài này đã được đăng trong
Tin Tuc Nội Bộ. Đánh dấu
đường dẫn tĩnh.