(Tâm tình cùa K1 Tống Phước Kiên).
Nhân đọc mấy lời “Tâm Tình Căn Nhà Nhỏ” của Giám Đốc CNN về việc Kỷ niệm 11 năm tuổi “Căn Nhà Nhỏ”, tôi bỗng nhớ về Đại Hội 45 năm ngày thành lập Học Viện CSQG/VNCH tại San-Jose cách đây 11 năm. Chính sau đại hội nầy mới phát sinh “CNN”. Đây là lần đầu tiên từ khi đến Mỹ tôi về tham dự một lần họp mặt với thầy và bạn cùng trường cùng khóa. Tâm trạng của tôi trong lần gặp gở đó thật vui mừng và hớn hở, nhưng cũng không ít u buồn vì hay tin nhiều bạn bè thân thương đã vĩnh viễn không còn trên cõi đời nầy: Người thì vị quốc vong thân, người chết trong trại tù cọng sản kẻ thì bỏ mình trên đường vượt biển, một số anh em may mắn đến được bến bờ tự do nhưng vì đau yếu bệnh tật cũng bỏ gia đình thầy bạn mà đi.
Đối với tôi ngày “Tiền Đại Hội” mới vui hơn, nồng ấm hơn. Những cảm xúc ngày ấy vẫn còn đọng lại trong lòng cho đến tận mãi bây giờ.
Buổi họp khóa 1 lần đầu tiên của tôi sau 45 năm ra trường, ôi sao mà vui qúa.
Kể từ ngày rời xa trường mẹ, anh em chúng mình được phân phối đi khắp bốn vùng chiến thuật, miệt mài với trách nhiệm”bảo quốc an dân” khiến cho bạn bè nhiều người chưa một lần gặp lại. Nay nhân ngày hội ngộ, bạn bè từ khắp nơi đổ về có dịp tung tăng tìm gặp nhau. Ai cũng da mồi, tóc thì nhiều hay ít cũng “gió thôi bay” nên nếu không xưng tên thì không nhìn ra nét mặt.
Thật đúng như người ta thường nói “Thời gian là cổ máy tàn phá nhan sắc”.Anh chị em đang nói cười xôn xao thì ba ông NT: Trần Minh Công, Phạm Công Bạch và Trần Quan An đến. Các ông đến để thăm hỏi và chia xẻ những niềm vui, nỗi buồn của những người đã cùng một thời dưới mái trường Học Viện.
Cả hội trường như chùng xuống khi cựu Đại Tá Viện Trưởng HVCSQG Trần Minh Công nhắc đến những người xuất thân từ Học Viện đã vĩnh viễn ra đi khỏi cuộc đời này, đậc biệt là cố Đại Tá Viện Trưởng Đàm Trung Mộc, người mà SVSQ/HV đặt cho cái tên thân mến là “Cha Già Học Viện”. Lời phát biểu của ba ông thầy đều có một điểm chung, đó là niềm ưu ái đặc biệt của các ông đối với khóa 1. Con đầu lòng của mẹ Học Viện mà.
Năm 1966 sau khi tốt nghiệp, nhóm của tôi chừng hơn mười người chọn về Nha CSQG Miền Bắc Trung Nguyên Trung Phần đóng tại Đà Nẵng. Chúng tôi đến trình diện và được ông Giám Đốc Võ Lương cho phép làm đơn xin về phục vụ tại địa phương mình mong muốn. Nguyện vọng của tôi là được về Ty CSQG Thừa Thiên Huế để được gần gia đình. Nhưng khi nhận Sự Vụ Lệnh thì tôi được phân phối về Ty CSQhG Thị Xã Đà Nẵng.Tuy không được như sở nguyện nhưng lại được phục vụ dưới trướng của ông Trưởng Ty Trần Minh Công, làm việc với ông thầy cũ của mình trong Học Viện thì cũng thấy ấm lòng.
Khoảng giữa mùa thu năm 1967 ông Công được thuyên chuyển về giữ chức vụ Trưởng Ty CSQG Quận Nhì Sài Gòn. Người kế nhiệm Trưởng Ty CSQG Đà Nẵng là Quận Trưởng Cảnh Sát Phạm Công Bạch. Ông thầy nầy đi lại có ông thầy khác về, anh em Khóa 1 chúng tôi tại Ty CSQG Đà Nẵng vẫn tiếp tục giữ được nụ cười trên môi. Ông Bạch ra Đà Nẵng mới mấy tháng thì tình hình chiến sự sôi động mạnh và có tin VC sẽ tấn công vào thành phố trong dịp tết. Ban đầu có lệnh cấm trại một trăm phần trăm, nhưng mấy ngày cận tết Mậu Thân thì được xã trại ½ nhờ chính phủ VNCH và VC đạt được thỏa thuận hưu chiến trong ba ngày tết để dân chúng đón mừng năm mới. Tuy nhiên ông Bạch vẫn ở lại nhiệm sở, không về Sài Gòn ăn tết với gia đình. Khoảng 4 giờ chiều ngày 29 tết, ông Bạch cho gọi Nguyễn Văn Sáo, Lê Việt Hằng và tôi về trình diện ông tại văn phòng. Ba anh em chúng tôi tưởng ông Trưởng Ty sẽ chỉ định một công tác nào đó trong mấy ngày tết nguyên đán. Nhưng không, ông Bạch cười thân mật như một người anh và trao cho ba đứa tôi mỗi người một tấm giấy phép cho về Huế ba ngày để ăn tết với gia đình.
Ba anh em chúng tôi đi xe đò về tới Huế lúc cửa hàng và chợ búa bắt đầu “tiêu điều như chợ chiều ba mươi tết”.
Đến khuya mồng một rạng ngày mồng hai tết Mậu Thân, VC tự ý xé bỏ thỏa thuận hưu chiến, bất thần tấn công và tràn ngập Huế, chỉ trừ khu vực Tiểu Khu Thừa Thiên và BTL Sư Đoàn I Bộ Binh đóng trong Mang Cá.
Cọng sản chiếm đóng Huế trong 26 ngày, trước khi bị quân đội VNCH đẩy lui, chúng đã giết hại khoảng sáu ngàn dân Huế trong đó có 4 người bạn K1 của chúng ta là Phan Cháu, Hoàng Khê, Nguyễn Văn Sấm và Nguyễn Văn Lợi.
Hằng, Sáo và tôi may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần của VC.
Hồi tưởng lại những tháng ngày ông Bạch làm trưởng ty CSQG Thị Xã Đà Nẵng, hết Mậu Thân 1 rồi Mậu Thân 2, VC vẫn không xâm nhâp được thành phố Đà Nẵng. Trong không khí sôi động vì chiến cuộc ấy thỉnh thoảng thấy ông Bạch mặc cảnh phục dã chiến, mang lon quận trưởng đi bộ thị sát thành phô cùng nhân viên thuộc quyền, thấy ông hào hùng làm sao. Nay thấy ông đến với anh em cựu SVSQ/HVCSQG trong kỳ đại hội 45 năm trên chiếc xe lăn với thân hình tiều tụy, thấy mà thương. Sau đó nghe ông vào viện dưỡng lão rồi cất bước theo hiền thê mà từ bỏ anh em chúng mình. Buồn thật.
Từ khi ra trường cho đến khi qua Mỹ tôi chưa một lần gặp lại ông Trần Quan An, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/ K1/HVCSQG. Bởi thế tôi tin là ông không còn nhớ tôi là ai. Nhưng tôi thì không, tôi vẫn nhớ ông An hoài và luôn mang trong lòng một niềm cảm kích đối với ông. Vào một buổi trưa hè trong Học Viện tôi nhận được hung tin mẹ tôi từ trần. Tôi liền làm đơn xin phép về Huế chịu tang mẹ. Ông An mau mắn cấp phép và cho tôi xuất trại liền ngay sau đó.
Tôi đến quầy vé Air Việtnam gần chợ Bến Thành và may mắn có một chỗ trên chuyến bay sớm nhất về Huế ngay sáng hôm sau. Về tới nhà thấy mẹ hôn mê trên giường bệnh, tôi có chút hy vọng mong manh là mẹ sẽ vượt qua cơn nguy kịch. Ngồi nhìn tấm thân mẹ mõng manh như tàu lá dưới lớp chăn mõng mà đau xót trong lòng. Đến nửa khuya mẹ cựa mình và rên khe khẻ, mồ hôi lấm tấm trên đình trán rồi mắt từ từ hé mở. Nhìn thấy tôi, mắt mẹ dường như sáng lên và môi mấp máy trong tiếng thì thào “con về rồi à…”rồi không phát âm đươc nữa. Tôi ghé vào tai mẹ nói:
“Mạ đang mệt đừng nói nữa, khi nào mạ khoẻ rồi nói chuyện với con cũng được”.
Mẹ lắc đầu, hai hàng nước mắt ứa ra lăn dài xuống tận mang tai, đôi hàng mi khép lại và mẹ trôi vào hôn mê. Sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng thì mẹ cũng chìm vào giấc ngủ thiên thu, mang theo nỗi buồn không nguôi của tôi.
Cảm ơn thầy An thật nhiều, giả như hồi đó tờ giấy phép ký trễ mấy tiếng đồng hồ thi quầy vé đóng cửa và tôi không kịp về để mẹ nhìn được mặt đứa con trai lần cuối trước khi từ giả cuộc đời.
Đại hội kỷ niệm 45 năm HVCSQG được tổ chức tưng bừng, quy cũ. Nghi thức khai mạc thật nghiêm trang và cảm động. Những giây phút chào cờ và mật niệm, tôi cảm thấy như có hồn thiêng sông núi cùng anh linh tử sĩ vị quốc vong thân hiện về chứng giám. Sau nghi thức khai mạc, người điều khiển chương trình mời mọi người an tọa. Cả hội trường bắt đầu xôn xao vì bạn bè lâu ngày mới gặp lại nhau. Có nhiều người say mê hàn huyên tâm sự với bạn hữu hơn là lắng nghe những bài diễn văn của các ông cựu Viện Trưởng, Viện Phó, cựu TL/CSQG…Cảm ơn các bạn ở San Jose đã tổ chức một kỳ đại hội chu đáo và thành công.
Từ San Jose trở về ai cũng mang một niềm vui khôn tả trong lòng và mong muốn được gặp lại nhau trong những lần đại hội tới. Riêng bạn Nguyễn Công Vinh thì sôi nỗi hơn và muốn anh chị em K1 nói riêng và anh em đồng môn nói chung liên lạc, gặp gở, thăm hỏi nhau thường xuyên.Vì vậy mà bạn mình mày mò xây dựng một website cho gia đình K1 lấy tên là “Căn Nhà Nhỏ” mà anh em mình thường gọi là “CNN”. Dựng xong căn nhà, ông giám đốc CNN kêu goị mọi người đem hoa thơm cỏ lạ đến tô điểm cho ngôi nhà chung ấm cúng, muôn màu muôn vẻ. Có lẽ Cò Tém Nguyễn Ngọc Kính là một trong những người đầu tiên góp mặt trong Căn Nhà Nhỏ với bài viết :
HỘI NGỘ
Chim mỏi cánh về đây hội ngộ
Không mất nhau Khóa 1 vẫn còn đây
Tươi nụ cười để sống phút giây
Đời trẻ lại, tình như trang giấy
Tình Học Viện, nét bút nghiêng nghiêng.
Nguyễn Ngọc Kính
Bài thơ ngắn ngủi nhưng súc tích nầy đã gây cảm hứng cho nhiều bạn K1 viết lên tâm tình của mình vào những ngày hậu đại hội 45 năm.Thấy anh em viết nhiều bài rất hay và cảm động, tôi cũng gắng tập viết vài câu để góp mặt :
VUI QÚA
Vui quá đi thôi phải không các bạn ?
Gặp lại nhau ngày Khóa 1 tương phùng
Nói nói cười cười mà lệ rưng rưng
Mái tóc điểm sương, mõi gối, còng lưng
Kẻ nương gậy trúc, người ngồi xe lăn
Tay bắt mặt mừng một lần tao ngộ,
Bốn mươi lăm năm biết bao vui khổ
Dù khó khăn cũng gắng tìm về
Như giấc chiêm bao gặp lại bạn bè
Sống lại trong ta khung trời kỷ niệm
Với bạn, với thầy, với đời Học Viện
Mong luôn gắn bó cho đến mãn đời.
TPK
Kể từ dạo đó tôi tập làm thơ.Thỉnh thoảng lại có một bài gởi vào “Căn Nhà Nhỏ”. Có một thời chủ nhân CNN bận rộn lo post những bài xướng họa của nhóm “Đường Cóc”. Tôi qủa thật thích thú với những bài Đường Thi của các lão: Cóc Khô, Cóc Chát, Cóc Chay, Cóc Tiá, Cóc Xanh, Cóc Núi. Đó là bút hiệu của các bạn Phan Quang Nghiệp, Lê Hữu Nghĩa, Trần Bửu Giao, Nguyễn Thanh Hoàng, Nhữ Đình Toán và Nguyễn Hoài Ân. Thấy vui qúa nên tôi cũng học đòi tập làm thơ Đường Luật. Mới đầu tôi chẳng rành mấy về các luật bằng trắc, niêm đối, luận…nên được các Cóc Lão chỉ dẫn dần dần. Rồi các bạn Trần Pháp, Đoàn Ngọc Nam, Trần Quốc Nại, Nguyễn Chính Minh, cả ông chủ CNN Nguyễn Công Vinh cũng nhảy ra thi trường múa bút. Chúng tôi là cóc tập tành, biết lượng sức mình nên tự xưng là “Nhái”. Sau một thời gian, chủ nhân CNN thấy bầy nhái có phần cứng cáp bèn phán: “cho đàn nhái lên làm cóc” để nhóm Đường Cóc thêm đông đúc, vui nhộn. Bạn Nguyễn Công Vinh tự đặt cho mình biệt hiệu”Cóc Nhà” và đặt cho tôi là “Cóc Huế”. Còn các bạn khác thì tự đặt tên lấy như :Trần Pháp là “Cóc Quảng Trị” Đoàn Ngọc Nam là “Cóc Ươn”, Trần Quốc Nại là “Cóc Ớt”, Nguyễn Chính Minh là “Cóc Chầu Rìa”. Ông nầy khiêm nhường tự cho mình là dân “Chầu Rià” nhưng nhiều khi tung những chiêu tuyệt kỹ. Giờ thì, có lẽ vì tuổi già sức yếu bầu nhiệt huyết vơi đi khá nhiều nên các “Cóc Lão” quay về “hang” dưỡng sức, thỉnh thoảng mới nhảy ra nghiếng răng để “làm cậu ông trời” rồi lại về quy ẩn.
Thưa các bạn K1, nhân kỷ niệm 11 năm tuổi đời của “Căn Nhà Nhỏ”, tôi viết lang man về tình thầy trò, bạn hữu đồng khóa của chúng mình. Cốt là để gợi lại những kỷ niệm xưa và để anh chị em đọc giải trí. Bài viết khá dài tôi xin dừng lại nơi đây. Xin chúc qúy thầy và các bạn được luôn vui khỏe.Thân chúc chủ nhân CNN trường thọ để “Căn Nhà Nhỏ” được thọ theo.
Thân ái mến chào mọi người.
Tống Phước Kiên
Tháng Bảy 2022
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Có liên quan
Bài này đã được đăng trong
Tin Tuc Nội Bộ. Đánh dấu
đường dẫn tĩnh.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.