Năm này đã là năm thứ 32 tôi đón Tết tại nơi quê hương thứ hai này. Tôi có thể quên được những cái Tết năm xưa không? Không, tôi không thể nào quên có điều là cảm nghĩ về Tết hình như thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh.
Ngày Tết của thời thơ ấu là những ngày đẹp nhất vì tôi đã được ngủ gà gật trong mùi bánh chưng, bánh mật do bà ngoại và mẹ nấu, được nếm, vừa thổi vừa ăn chiếc bánh vừa được vớt ra. Là những háo hức với những phong bao “mừng tuổi”, những tà áo còn thơm mùi vải mới tinh!
Ngày Tết của tuổi thanh xuân là kỷ niệm của Tết Mậu Thân ngày mới quen nhau, tha thiết với những cánh thư và hoa tươi nối liền Sài Gòn – Đà Lạt.
Ngày Tết của những năm chia lìa! Tết Bính Thìn 1976 tôi chở ba con bằng chiếc xe đạp sang chúc Tết ông bà ngoại: con gái chưa đầy một tuổi được đặt trên ghế nhỏ cài trên sườn xe phía trước, hai con trai ngồi ôm nhau ở yên sau được nối dài thêm. Nước mắt chảy ngược vào trong lòng!
Rồi những cái Tết cả nhà chồng chất cùng với các bao bị đựng đồ tiếp tế trên chiếc xích lô đạp đi thăm nuôi anh tại khám Chí Hòa! Ký ức vẫn còn nguyên trong lần thăm nuôi với đồ ăn cùng một túi mứt khoai lang bán ế trong những ngày bán hàng Tết, vượt đường dài, qua đồi, qua suối để đến thăm nuôi anh tại trại giam Xuân Phước, Phú Khánh nhưng rồi bị đuổi về không cho nhận quà vì anh đã bị tống vào kiên giam!
Thế rồi vẫn có tiếng cười sau nỗi đau nhờ các chị em đùm bọc nhau trong nghề vẽ guốc. Các con đã được ăn ngon khi mẹ biết buôn bán với sự chỉ dẫn và giúp vốn của những người hàng xóm tốt bụng.
Thế rồi đã có được một cái Tết đoàn viên khi anh trở về chờ ngày định cư tại Mỹ.
Ngày Tết của những năm đầu định cư vất vả hầu như là không có Tết vì hầu hết những ngày Tết đều rơi vào những ngày thường trong tuần. Tuy nhiên, những năm đầu bước vào nghề dạy học tại một ngôi trường có đến năm thầy cô giáo Việt Nam nên không khí Tết đã có được qua những buổi văn nghệ Tết rất tưng bừng với sự ủng hộ hết mình của các vị hiệu trưởng am hiểu văn hóa Việt Nam. Tuy vậy, khi dạy học sau này tôi vẫn chịu đựng sự kỳ thị của một hiệu trưởng đến nỗi phải một lần vào bệnh viện cấp cứu!
Ngày Tết của tuổi hưu trí mà vẫn còn vương vấn với nghề dạy học khi cộng tác với trường Giáo Lý Việt Ngữ giáo xứ Chúa Ba Ngôi. Thế là lại vẫn còn có được những rộn ràng tổ chức mừng đón Chúa Xuân với sự chuẩn bị ra mắt các tờ báo tường và văn nghệ Tết.
Đặc biệt là năm nay không khí chuẩn bị thật khởi sắc, tưng bừng dù cho mưa rơi tầm tã hầu như suốt tuần. Nhưng đến ngày thứ Bảy thì cơn mưa tạm ngưng, bầu trời nắng ráo từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều đủ để cho quan khách, thầy cô, học sinh, và phụ huynh thưởng thức màn văn nghệ ”cây nhà lá vườn” rất đặc sắc, dễ thương của các cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6. Học sinh lớp VN1A của tôi trình diễn hoạt cảnh “12 Con Giáp” và bé Leah Phan đọc thuộc lòng bằng tiếng Việt hai bài thơ thiếu nhi “Năm Mới” và “Hạt Giống” rất được mọi người tán thưởng.
Mùa xuân vẫn đến với chúng ta mỗi năm dù ta có muốn đón nhận hay không. Hai vầng nhật nguyệt vẫn chiếu soi ngày và đêm cho thời gian quay đều trong tiếng cười và nỗi đau! Ngày đầu xuân chúng ta vẫn luôn cầu chúc cho nhau an vui, hạnh phúc. Nhưng khi nhìn vào một gia đình hạnh phúc thì cũng “ngầm” hiểu rằng trong đó có cả hai người cùng thông cảm và chấp nhận nhau hoặc là phải có một người chịu hy sinh nhiều hơn! Hạnh phúc đâu phải từ trên trời rơi xuống! Đâu phải tự nhiên mà có được những gì tốt đẹp mà hạnh phúc là kết quả của sự kiên nhẫn làm thật tốt những gì mình đang có.
Xin thân ái cầu chúc các bạn đọc cùng chào đón chúa xuân với tâm lòng an vui, hạnh phúc.
Lê Phương Lan
(Copy từ Fb Lan Le Nguyen)