Vừa tìm được Viên Ngọc Quý _ Lê Phương Lan

VỪA TÌM ĐƯỢC VIÊN NGỌC QUÝ

Từ ngày bắt đầu cuộc sống của một người tỵ nạn tại Hoa Kỳ tôi hiểu biết được rằng đã có rất nhiều tác giả, học giả, soạn giả, đạo diễn đã và đang nỗ lực thực hiện những trang sách sử, những công trình nghiên cứu, đã xuất bản nhiều tác phẩm, tài liệu, nhiều bộ phim v…v… trình bày sự thật lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt là vào những dịp kỷ niệm Quốc Hận 30/4/1975 những người con dân đất Việt, những chứng nhân lịch sử hiện đang sinh sống tại hải ngoại đã viết về những câu chuyện thật của đời mình. Tuy nhiên tôi vẫn trăn trở với nỗi ưu tư làm thế nào để cho thế hệ của các cháu tôi hiểu biết và trân trọng lịch sử đã xảy ra cho đất nước và người dân Việt Nam trong thế kỷ vừa qua. Kiến thức cũng đã có. Tâm huyết vẫn đầy mà tâm sự thì càng ngổn ngang! Thế nhưng khả năng chuyên môn trong việc sử dụng các ứng dụng kỹ thuật tin học có giới hạn và phương tiện truyền thông chỉ là qua email và trang Facebook cá nhân! Cho nên bấy lâu nay tôi chỉ loay hoay với những bài văn, bài thơ nói lên tấm lòng tha thiết yêu tiếng nói và văn hóa truyền thống. Riêng đối với con cháu của mình thì chỉ biết viết những bức “tâm thư” cho các cháu mà thôi.

Dịp may và nỗi vui mừng đã đến với tôi trong ba ngày cuối tuần Aug,5 – Aug,7/ 2022 tôi đã được tham dự trực tuyến khóa Hội Thảo Sư Phạm Quốc Tế Việt Nam kỳ 3 do Phân Khoa Asian & Asian American Studies Đại Học California State University, Long Beach tổ chức. Ba ngày giảng huấn các giảng viên đã trao cho các thầy cô giáo và phụ huynh chiếc “nỏ thần” để chống giặc “nội xâm” gìn giữ văn hóa truyền thống Việt Nam.

Trong ba ngày học, các giảng viên với kiến thức và khả năng sư phạm chuyên môn rất cao trình bày, diễn giảng thật tận tâm và lưu loát về các đề tài rất thiết thực cho công tác dạy tiếng Việt hiện nay:

– Dạy Văn Hóa Việt Nam qua Các Bài Việt Ngữ (thầy Quyên Di)

– Phát Triển Việt Ngữ qua Các Giáo Trình (cô Nguyễn Lâm Kim Oanh)

– Dạy Tiếng Việt bằng Truyện Cổ Tích (cô Nguyễn Lâm Kim Oanh)

– Chia Sẻ Kinh Nghiệm Soạn Tự Điển, Sách Học, Sách Giáo Khoa Tiếng Việt cho Người Nước Ngoài: do thầy Hiroki Tahara. Tấm lòng tha thiết yêu mến văn hóa Việt của thầy và cô Natsuki Kitayama đã khiến các tham dự viên đã gửi qua “chat room” nhiều lời ngưỡng mộ và khâm phục. Thầy Tahara và người bạn đời đã từng về Việt Nam để làm việc từ thiện và để nghiên cứu nền văn hóa Việt Nam trước 1975 mặc cho lời ngạo mạn của những con người đã bán lương tâm cho chủ nghĩa xuẩn động:”Văn hóa ngụy mà tìm hiểu làm gì!” Thầy đang nghiên cứu về “nhạc vàng” mà thầy định nghĩa rất trang trọng là “Golden Music”. Thầy Quyên Di còn diễn nghĩa thêm:Nhạc “Vàng” còn là hình ảnh của lá cờ vàng “hoàng kỳ” thật cảm động!

– Dùng Âm Nhạc để Dạy Tiếng Việt (cô Hồng Trang)

– Cách Soạn Bài Làm Ở Nhà cho Học Sinh (cô Bích Trâm)

Ba đề tài khác do thầy Quyên Di trình bày:

– Ráp Vần Tiếng Việt và Những Vấn Đề về Nghe, Nói, Đọc, Viết Tiếng Việt

– Tài Liệu và Phương Pháp Dạy Lớp Mẫu Giáo Sơ Cấp và Lớp Mẫu Giáo

– Phụ Huynh và Nhà Trường Hợp Tác để Rèn Luyện Nhân Cách cho Học Sinh

– Chia Sẻ Kinh Nghiệm Dạy Tiếng Việt cho Lớp Hỗn Hợp gồm cả Học Sinh Nước Ngoài và Học Sinh Lai Việt: do cô Natsuki Kitayama với trình độ nói và viết tiếng Việt quá hay đến nỗi một cô giáo trẻ viết qua “chat”:”Em vừa khâm phục cô vừa thấy xấu hổ thay cho những người Việt mà không biết yêu mến tiếng Việt!”

– Dùng Các Phương Tiện Kỹ Thuật để Dạy Tiếng Việt (Cô Bích Trâm)

– Chia Sẻ Kinh nghiệm Giảng Dạy của các giáo viên dạy các chương trình tiếng Việt tại các Học Khu Anaheim, Garden Grove và Westminster. (cô Tường Vi điều hợp)

Khóa học này thật sự vô cùng hữu ích không chỉ cho các thầy cô giáo giảng dạy Việt ngữ mà còn rất cần thiết cho chúng ta là những người làm cha mẹ, ông bà đang lo ngại làm thế nào truyền lại cho con cháu hiểu biết và trân trọng truyền thống Việt Nam. Do đó trọng tâm của bài này dành cho việc giới thiệu hai bộ sách tâm huyết của tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh. Đây cũng là cảm xúc và nỗi vui mừng của tôi khi tìm được hai bộ sách quý giá giúp cho các bậc phụ huynh làm cách nào để nói lên được “nỗi lòng” của những chứng nhân lịch sử cho các thế hệ tiếp nối.

1) Quyển sách thứ nhất:
298583059_3192599027723950_5334944383592532303_nTìm Hiểu Lịch Sử Gia Đình Người Việt Tỵ Nạn” (Understanding Our Family History) là một giáo trình nghiên cứu quan trọng được trình bày với phương pháp sư phạm bằng song ngữ Anh-Việt đính kèm phần giải thích từ vựng rất rõ ràng cùng với rất nhiều hình ảnh, tài liệu quý giá và tư liệu thơ, văn khiến nội dung càng thêm xúc động và phong phú cung cấp toàn bộ kiến thức về nguồn cội gia đình và cuộc chiến Việt Nam cho con cháu chúng ta. Tôi đã đặt mua qua Amazon cả hai quyển sách và rất tự tin rằng đây là bộ sách tôi hằng mong đợi dùng để dạy cho học sinh và thế hệ con cháu về cuộc chiến tranh Việt Nam và rằng chúng ta đã có một nền văn minh, văn hóa nhân bản tại miền Nam Việt Nam trước 1975.

2) Quyển sách thứ hai:”

298342433_3192599007723952_7982077363390830649_nTo Our Grandchildren with Love”, đây là một dự án (A Grandparent Book Project) tuyệt vời dành cho các ông bà soi sáng quá khứ để giúp các cháu rất tự tin trên bước đường tương lai. Đây là một dự án dành cho thế hệ trẻ được viết chủ yếu bằng Anh ngữ. Nếu cần thiết quý ông bà cao niên có thể nhờ con cháu cộng tác trong việc dịch thuật. Cả hai mái đầu và hai bàn tay một già, một trẻ cùng cộng tác thì việc hoàn thành dự án thật rất cảm động.

Tôi xin dành phần thưởng thức cho các bạn đọc để thấy được công phu tâm huyết của tác giả. Xin phép tiến sĩ Kim Oanh cho tôi viết lại lời trích dẫn của đại văn hào James Baldwin cho thấy lý do cần thiết phải sử dụng và phổ biến hai quyển sách trên đây:

“You think your pain and your heartbreak are unprecedented in the history of the world, but then you read.” “Bạn nghĩ rằng sự khổ đau và cay đắng bạn đang gánh chịu là chưa từng có trên đời này ư? Bạn hãy tìm đọc đi.”

“Know whence you came. If you know whence you came, there are absolutely no limitations to where you can go.” “ Bạn phải biết mình từ đâu đến. Khi bạn biết rõ bản thân từ đâu ra, bạn sẽ không còn bị bất cứ giới hạn nào để đi đến nơi bạn muốn.”

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý thầy cô và phụ huynh Khóa Học Sư Phạm và hai quyển sách của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh.

Lê Phương Lan

Bài này đã được đăng trong Tin Tuc Nội Bộ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.