& CHƯƠNG TRÌNH AN TOÀN CÔNG CỘNG
· TOÀN NHƯ
An toàn công cộng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của các lực lượng cảnh sát trên thế giới để thi hành luật pháp và giữ gìn an ninh trật tự ngoài xã hội. Danh từ “công an” của Việt Nam đã xuất xứ từ ý nghĩa này.
Vào giữa thập niên 1950s, chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã có một chương trình nhằm giúp đỡ các quốc gia đang phát triển hay kém mở mang, đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam, thiết lập một hệ thống an toàn công cộng tốt đẹp. Chương trình này được gọi là Chương Trình An Toàn Công Cộng (Public Safety Program) nhằm mục đích giúp các quốc gia bạn xây dựng một lực lượng cảnh sát hiện đại và tân tiến để thực hiện nhiệm vụ an toàn công cộng nói trên.
Tại Việt Nam, vào đầu năm 1954, trước khi bị thất bại tại mặt trận Điện Biên Phủ, chính phủ Pháp trước khi chuyển giao quyền hành lại cho chính phủ quốc gia Việt Nam đã yêu cầu Hoa Kỳ trợ giúp để duy trì tình hình an ninh trật tự tại Việt Nam. Trước yêu cầu này, Hoa Kỳ đã gởi một toán chuyên viên gồm nhiều cựu sĩ quan cảnh sát tới Hà Nội để thẩm định tình hình. Tuy nhiên, sau khi đến nơi, toán chuyên viên này nhận ra rằng điều mà người Pháp muốn là Hoa Kỳ cung cấp cho họ những sự yểm trợ về quân sự để họ có thể ổn định tình hình an ninh tại hậu phương, đồng thời có thể đánh bại Việt Minh ngoài mặt trận. Mục đích của Pháp là họ muốn có thêm sức mạnh quân sự để có thể đối phó với Việt Minh hầu tiếp tục củng cố quyền hành và duy trì chính sách cai trị thực dân của họ ở Đông Dương hơn là lo về việc an toàn công cộng. Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower đã từ chối lời yêu cầu trợ giúp quân sự của Pháp, và quyết định chỉ giúp đỡ Pháp về mặt dân sự. Đó là khởi đầu cho chương trình an toàn công cộng của Hoa Kỳ ở Việt Nam nhằm giúp VN ổn định trật tự xã hội và tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển kinh tế, xã hội và chính trị tốt đẹp hơn.
Thật ra, chương trình về an ninh hay an toàn công cộng đã được Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng ở Đức và Nhật Bản từ sau khi Thế Chiến II chấm dứt năm 1945. Sau khi Đức và Nhật Bản đầu hàng đồng minh, Hoa Kỳ là quốc gia tiếp quản đã sử dụng các Quân cảnh Mỹ để vãn hồi an ninh và trật tự tại các quốc gia này. Song song với công tác đó, Hoa Kỳ cũng giúp tái xây dựng các lực lượng cảnh sát dân sự tại các nơi này. Công việc này được giao cho các sĩ quan của Cơ quan Tình báo Chiến lược OSS (Office of Strategic Services), tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA, phụ trách. Riêng tại Nhật Bản, chương trình này được đặt trực thuộc bộ chỉ huy của tướng Mac Arthur, tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Nhật, với một ban tham mưu gồm những sĩ quan thuộc Bộ Lục Quân và nhiều viên chức nguyên là những sĩ quan cảnh sát. Một trong những thành viên trong ban tham mưu này là Byron Engle, một cựu đại úy thuộc Sở Cảnh Sát Kansas City, người sau này trở thành Giám đốc Văn phòng An toàn Công cộng OPS (Office of Public Safety) trung ương tại Hoa Kỳ. Cơ quan này trực thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Trong thời gian tại Nhật Bản, Byron Engle cùng với người phụ tá là một sĩ quan quân cảnh Mỹ đã giúp đỡ thành lập và huấn luyện lực lượng cảnh sát Nhật và cung cấp các trang thiết bị cho họ. Sau đó, vào năm 1950, được sự chấp thuận của tướng Mac Arthur, Byron Engle đã đưa ra kế hoạch cải tổ toàn diện hệ thống tổ chức cảnh sát Nhật Bản để giúp cho quốc gia này có một lực lượng cảnh sát văn minh, tiến bộ và hoạt động hiệu qủa cho đến ngày hôm nay.
Sở Liêm Phóng Việt Nam, tiền thân của Tổng Nha Cảnh Sát và Bộ Tư Lệnh CSQG sau này, là cơ quan tiếp nhận sự trợ giúp đầu tiên của PSD-VN. Sự giúp đỡ đầu tiên của PSD là một hợp đồng với trường Đại Học Michigan để huấn luyện một số viên chức Bộ Nội Vụ của chính phủ VNCH. Các viên chức Bộ Nội Vụ thực ra là các sĩ quan thuộc Tổng Nha Cảnh Sát vì Tổng Nha Cảnh Sát lúc đó là cơ quan trực thuộc Bộ Nội Vụ. Hợp đồng của PSD với trường Đại Học Michigan thực ra chỉ là một ngụy thức của CIA dưới danh nghĩa một chương trình trao đổi văn hóa, giáo dục cho Việt Nam.
Các phối trí viên của cơ quan PSD-VN tham gia một buổi hội thảo tại Sài Gòn trong tháng 10-1970. Người đứng giữa hàng đầu mặc bộ veston xám đen là ông Byron Engle (giám đốc OPS), đứng bên cạnh cầm tấm bảng Office of Directorate là ông Frank Walton (giám đốc PSD-VN)
PSD-VN sau này đã gởi thêm nhiều cố vấn hoạt động bên cạnh lực lượng cảnh sát quốc gia VNCH. Đứng đầu PSD-VN thường là một cựu sĩ quan cảnh sát Mỹ. Vào cuối thập niên 1960s, giám đốc PSD-VN là Frank Walton, nguyên là một cựu sĩ quan cảnh sát thuộc Sở Cảnh Sát thành phố Los Angeles, California, đã nghỉ hưu (trước đó là ông Robert C. Lowe cũng là một cựu sĩ quan cảnh sát). Lúc ban đầu PSD-VN chỉ gồm có 17 sĩ quan cố vấn. Từ nhóm cố vấn ít ỏi đầu tiên đó, qua thập niên 1960s và những năm tiếp theo, chương trình đã được mở rộng có lúc lên tới 450 cố vấn. Họ được gởi tới các Bộ chỉ huy CSQG Vùng (hay Khu chiến thuật) và các Bộ chỉ huy cảnh sát ở các tỉnh, thành phố như những cố vấn hay phối trí viên. Nhiệm vụ của họ nhằm giúp cho các hoạt động của ngành CSQG Việt Nam tại những địa phương này ngày một nâng cao và hiệu qủa bằng những kỹ thuật và phương tiện văn minh hiện đại.
Mục tiêu chính yếu của cơ quan an toàn công cộng PSD tại Việt Nam là để tham vấn và trợ giúp cho lực lượng CSQG hoàn thành các nhiệm vụ của ngành cảnh sát. Các nhiệm vụ đó cũng không khác gì những nhiệm vụ của người cảnh sát ở những quốc gia khác. Đó là: thi hành luật pháp và duy trì an ninh, trật tự cộng cộng; bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân; khám phá và ngăn ngừa các hoạt động phi pháp; thi hành các hoạt động tuần tra về lưu thông xe cộ, hàng hóa và người; bảo vệ sự lưu hành tiền tệ; và đặc biệt còn có các hoạt động phối hợp và yểm trợ các lực lượng quân sự và bán quân sự trong các công tác bình định tại nông thôn. Ngoài các nhiệm vụ căn bản nói trên, PSD-VN còn giúp cảnh sát quốc gia Việt Nam nâng cao các nghiệp vụ về tình báo và phản tình báo (Ngành Cảnh Sát Đặc Biệt) để truy tầm những tên cộng sản nằm vùng và những kẻ khủng bố, phá hoại hoạt động cho cộng sản xâm nhập, len lỏi trong cộng đồng.
Đèn báo hiệu lưu thông do cơ quan PSD-VN phối hợp với cảnh sát công lộ VNCH lắp đặt tại các ngã tư đông xe cộ lưu thông ở Sài Gòn trong thập niên 1960s. |
Nhờ sự phối trí giữa PSD-VN và lực lượng CSQG, những hoạt động của ngành cảnh sát Việt Nam đã có nhiều thay đổi và tiến bộ rõ rệt. Chẳng hạn như, trụ sở các ty, sở cảnh sát ở các địa phương đã được mở rộng, tân trang hoặc xây mới với những hệ thống phòng thủ kiên cố và những trang thiết bị hiện đại và tân tiến. Nhiều giao lộ ở Sàigòn và các thành phố lớn đã có gắn đèn báo hiệu lưu thông, góp phần đáng kể vào việc điều hòa lưu thông tại các giao lộ đông đúc xe cộ. (Trong khi đó, tại Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam cộng sản, phải nhiều năm sau ngày “phỏng dế” 30/4/1975, họ mới có được hệ thống đèn báo hiệu lưu thông trong đó có một số là những “chiến lợi phẩm” chiếm đoạt được mang từ Sài Gòn ra Hà Nội). Ngoài ra, PSD cũng giúp phát triển lực lượng cảnh sát dã chiến để thay thế cho các đơn vị cảnh sát chiến đấu cũ đã lỗi thời, trở thành một lực lượng bán quân sự hùng mạnh được trang bị những vũ khí và các phương tiện, kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ quân đội trong công tác bình định tại nông thôn cũng như trấn áp những cuộc bạo động (biểu tình) trong các thành phố góp phần đáng kể vào việc ổn định trật tự xã hội.
Nhằm mục đích ngăn ngừa việc chuyển vận vũ khí và hàng hóa của phiến quân cộng sản, PSD cũng giúp ngành cảnh sát thực hiện chương trình kiểm soát tài nguyên bằng cách hỗ trợ tăng cường các kỹ thuật khám xét khoa học và hữu hiệu. Các bến cảng và phi trường, nhất là tại Sàigòn (phi trường Tân Sơn Nhất), và những thành phố lớn đã được tăng cường các kỹ thuật kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa việc chuyển vận, xâm nhập, xuất nhập cảnh bất hợp pháp các thành phần bất hảo cũng như những vật lực, vũ khí phi pháp gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Để việc kiểm soát được hữu hiệu, PSD còn giúp ngành cảnh sát thực hiện việc thống kê dân số và cấp phát thẻ căn cước bọc nhựa (plastic) cho khoảng 17 triệu người dân Miền Nam đến tuổi trưởng thành (16 tuổi trở lên), chưa kể các thẻ hành sự bọc nhựa cho hơn 120.000 nhân viên cảnh sát các cấp (nhân số tính đến ngày 30/4/1975). Loại thẻ này có những dấu hiệu đặc biệt (“code”) mà chỉ nhân viên cảnh sát mới biết nhận dạng và phân biệt để kịp thời phát hiện những thẻ căn cước hay thẻ hành sự gỉa mạo.
Song song với các công tác trên, PSD-VN còn giúp nâng cao công tác huấn luyện và đào tạo nhân sự cho lực lượng CSQG bằng cách trợ giúp ngân khoản cho ngành cảnh sát xây dựng các cơ sở huấn luyện với những phương tiện trợ huấn cụ tân tiến. Các cơ sở này gồm có: một trường huấn luyện và đào tạo sĩ quan ở Thủ Đức (Học Viện CSQG), một trung tâm huấn luyện cảnh sát dã chiến ở Đà Lạt, và ba trung tâm huấn luyện cảnh sát căn bản ở Vũng Tàu (Rạch Dừa), Đà Nẵng và Biên Hòa (Tam Hiệp). Ngoài ra còn có các chi vụ huấn luyện tại thủ đô Sài Gòn và tại các bộ chỉ huy vùng hay khu. Chương trình huấn luyện còn được mở rộng ra ngoài lãnh thổ VNCH qua các khóa tu nghiệp huấn luyện cảnh sát ở Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Hàng ngàn sĩ quan, hạ sĩ quan và các nhân viên cảnh sát quốc gia Việt Nam đã được đào tạo, huấn luyện, và tu nghiệp tại các cơ sở huấn luyện này.
***
Với hơn hai thập niên có mặt tại Việt Nam tính đến ngày 30/4/1975, không thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của chương trình an toàn công cộng của Hoa Kỳ cho lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Chương trình này đã giúp cho ngành CSQG hoàn thiện về tổ chức cũng như tăng tiến trong nghiệp vụ, theo kịp đà phát triển của các quốc gia văn minh tân tiến. Có thể nói, trước năm 1975, miền Nam Việt Nam (VNCH) là một trong những quốc gia có lực lượng cảnh sát hùng hậu và tân tiến vào loại nhất ở Đông Nam Á. Hầu hết các cố vấn của PSD-VN, những phối trí viên làm việc bên cạnh lực lượng CSQG/VNCH, đã rất nhiệt tình sát cánh bên cạnh các đơn vị cảnh sát của Việt Nam. Trong một xứ sở mà hàng ngày phải đối mặt với chiến tranh và khủng bố ở khắp mọi nơi, các phối trí viên này cũng thường xuyên phải đương đầu với những hiểm nguy đang rình rập và một số đã bỏ mình trong khi thi hành nhiệm vụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số phối trí viên đã hoạt động có vẻ thiếu thân thiện, nếu không nói là giống như những ông quan thực dân kiểu mới ở những xứ thuộc địa. Thái độ đó đã tạo ra những va chạm, hiểu lầm đáng tiếc với một số cấp chỉ huy CSQG tại các địa phương. Mặc dù vậy, nhìn chung, những hoạt động của PSD dành cho CSQG Việt Nam vẫn rất đáng được tri ân và trân trọng. Nhưng thật đáng tiếc, do hệ qủa của hiệp định Paris ký kết ngày 27/1/1973, cơ quan PSD-VN đã phải chấm dứt hoạt động kể từ tháng 3-1973. Cho đến cuối tháng 3 của năm này, tất cả các phối trí viên cảnh sát đã phải từ biệt các bạn đồng nghiệp Việt Nam và lên đường về nước. Trong hai năm sau cùng trước ngày 30/4/1975, lực lượng CSQG Việt Nam đã hoạt động hoàn toàn độc lập không có sự cố vấn của các phối trí viên cơ quan PSD-VN.
TOÀN NHƯ
Tham khảo:
– America’s Public Safety Program in Vietnam, by Lt. Col. Albert F. Robinson (ret.), Vietnam Mag. (Apr. 2004)
– The Public Safety Program – Vietnam, by Charles A. Mann (USAID/VN Director) & Robert C. Lowe (Director for Public Safety/VN) (1966)