GÌN VÀNG GIỮ NGỌC_Lê Phương Lan

Nhà văn Trần Hoài Thư (ảnh ST trên internet)

GÌN VÀNG GIỮ NGỌC

Lê Phương Lan (Dâu K1)

Trong thời đại ngày nay sự chung thủy đặc biệt là trong hôn nhân là điều ngày càng khó gìn giữ sao cho vẹn toàn. Thế nhưng khi được đọc bài viết của Ngô Thế Vinh về nhà văn Trần Hoài Thư tôi thật sự mến phục và ngưỡng mộ tấm gương về sự chung thủy của ông với hai mối tình lớn nhất trong đời là tình yêu với người bạn đời và tình yêu dành cho văn chương, sách vở.

Trần Hoài Thư tên thật là Trần Quý Sách – tôi nghĩ cả hai tên này đều đã thể hiện trọn vẹn con người của ông – sinh năm 1942. Tuổi thơ bị thất lạc cha, theo mẹ sống khổ cực tại thành phố Nha Trang, có một thời gian phải sống trong cô nhi viện Bethlehem, Hòn Chồng.

Trần Hoài Thư khởi sự viết văn từ năm 1964. Truyện ngắn đầu tay “ Nước Mắt Tuổi Thơ” được đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Ngoài Bách Khoa ông còn cộng tác với Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức …

Tình duyên của ông với người bạn đời Nguyễn Ngọc Yến là một “mối tình văn chương”. Trên tạp chí Sóng Văn (1997) Ngọc Yến cho biết:”Cũng vì yêu mến văn chương, nên mối duyên văn nghệ đã đưa chúng tôi gặp nhau.” Địa chỉ tòa soạn Bách Khoa trở thành hộp thư và cũng là điểm hẹn hò đầu tiên của họ. Sau đó, một “đám cưới nhà binh” được tổ chức thật đơn giản vào ngày 18/6/1971 chỉ với vài người bạn thân, không rước dâu, không có cả nhẫn cưới!

Nhưng chẳng được bao lâu, sau ngày 30/4/1975 Hoài Thư bị bắt đi tù “cải tạo” khi đứa con trai duy nhất mới được hai tuổi! Hình ảnh mà THT không bao giờ quên là khuôn mặt đen đủi của Yến bám đầy bụi than mỗi lần đi thăm nuôi, do phải đi những chuyến xe đò cải tiến chạy bằng than củi!

Rồi cũng ra tù sau 4 năm! THT trở về quê vợ tại Cần Thơ với tấm thân chưa đầy 35 ký lô và với nghề bán cà rem lắc chuông sống qua ngày. Cũng chính cái nghề rung chuông mua vui cho con nít ấy đã khiến một ông chủ ghe cảm kích. Hơn nữa ông cũng đang cần một người tháo vát lanh lợi như chàng sĩ quan thám kích này. Ông cho THT một vé đi vượt biên “miễn phí”. Nhưng anh không đành tâm bỏ lại vợ con. Chính  Ngọc Yến đã phải lén chồng tìm gặp người chủ ghe năn nỉ:”Tôi sẵn sàng để chồng tôi ra đi! Xin ông cứu giùm cho anh!”. THT đã viết về quyết định đau lòng này:” Ở lại hay ra đi? Tôi đã sống trong sự giằng xé ghê gớm ấy. Ở nhà thì ôm nhau mà chết, mà ra đi thì tôi sợ một lần là vĩnh viễn! Tôi đã thấy con thuyền ấy. Khoảng 20 thước bề dài, thuyền ván mong manh, chỉ dành để đi trên sông mà lại đem nó ra để thử thách với biển sóng hãi hùng!” Chính Yến đã giục giã chồng không thể bỏ lỡ cơ hội mà phải ra đi.THT viết tiếp:”Tôi chấp nhận! Tôi hèn nhát để chấp nhận! Tôi ích kỷ để chấp nhận!” Để rồi trước khi ra đi anh đã phải đóng một vở kịch cũng đau lòng không kém. Phải làm sao để cho hàng xóm biết việc anh đào thoát không có sự đồng lõa của gia đình. Nếu không Yến sẽ bị đuổi việc vì sát bên vách là nhà của một mụ đảng viên. Vở kịch chỉ có hai diễn viên! Không gian là cái bếp. Thời gian là buổi chiều. Có nhiều tiếng chai đập, liệng nồi xoong, bát đĩa, tiếng la khóc lớn chừng nào tốt chừng nấy. Với tiếng quát tháo của Thư: “Tao chán cái nhà này quá rồi! Tao sẽ đập hết! Phá hết!” Rồi với tiếng nức nở của Yến: “Tới đây thì liên hệ giữa tôi và anh kể như chấm dứt!” Vợ chồng anh đóng kịch quá xuất sắc đến nỗi thằng con trai sáu tuổi sợ hãi la khóc thất thanh, phụ họa thêm tiếng khóc sụt sùi của bà mẹ vợ! … “Tôi ra đi khi con tôi đang ngủ như một thiên thần. Tôi đi chỉ có một bộ đồ độc nhất. Vợ tôi đứng dõi mắt nhìn theo!” Đó là một ngày cuối năm 1979. Phải bỏ lại vợ con, anh vượt biên trên một ghe nhỏ đi sông dồn nén được 93 người . Chuyến đi gian truân nhưng cuối cùng cũng đến được đảo Pulau Bidong, Mã Lai .  Anh đã quỳ xuống trên bãi cát để tạ ơn Thượng Đế . Anh viết:”Tôi quỳ, dù hai tay đã che đỡ những cú đánh, cú thoi, đá, đạp, chửi rủa từ người lính Mã Lai tôi vẫn không kêu khóc, không van xin… cứ chửi rủa đi, cứ đánh đập tôi đi, những cơn đau bầm, những bụm máu khạc ra từ miệng tôi đâu có thấm gì với cái bóng tối mà tôi đã bỏ lại!”

Sau khi chồng đi rồi, Yến là đối tượng được “chăm sóc” của đảng ủy vì sau đó Yến được chuẩn bị tác hợp cho lấy một tên đại úy phục viên. Uất hận vô cùng nhưng vì cần phải giữ hộ khẩu với số lương thực cho hai mẹ con, Yến chỉ trì hoãn xin cho một thời gian để nguôi ngoai.

Đầu năm 1980, khi biết được tin chồng đã đi thoát, Yến cùng đứa con trai vượt biên nhờ lòng hảo tâm của một chủ ghe. Một chuyến đi thừa sống thiếu chết, đói khát nhiều ngày đêm trên biển cả, cũng gặp hải tặc và tiếp theo là những ngày dài phải bồng con đi ăn xin tại một ngôi làng hẻo lánh ở Thái Lan.

Rồi thì cả gia đình cũng được đoàn tụ . THT thấy chỉ có một con đường tiến thân là đi học trở lại . Anh đi học ngành điện toán, Yến làm công nhân lắp ráp đồ điện tử. Ban ngày anh đi học, ban đêm thì làm janitor để kiếm thêm tiền . Anh tốt nghiệp điện toán với thứ hạng cao , nằm trong top five nên đã được hãng AT&T nhận vào làm cho một chi nhánh tại New Jersey. Tiếp theo là cậu con trai duy nhất của anh học xong trung học với điểm cao nên được nhận vào trường y khoa, 7 năm sau đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa. THT tiếp tục học lên để lấy bằng Master làm cho hãng IBM lên đến chức Project Leader cho đến khi nghỉ hưu.

Từ 2001, tuy vẫn còn đi phải đi làm, anh đã cùng người bạn Phạm văn Nhàn sáng lập tạp chí Thư Quán Bản Thảo và nhà xuất bản Thư Ấn Quán . Khi đã nghỉ hưu, anh liền bắt tay vào việc thực hiện tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM. Anh làm việc trong suốt nhiều năm nhằm khôi phục lại những văn bản của một thời kỳ văn học đã bị CSVN truy lùng, hủy diệt . Qua các thư viện đại học lớn ở Mỹ, anh đã có thể tìm ra một số sách báo miền Nam là Đại Học Yale, nơi có học giả Việt Nam nổi tiếng là Huỳnh Sanh Thông, người đã dịch truyện Kiều sang tiếng Anh.  Ông Thông cũng là người đã giúp nhà văn Võ Phiến tài liệu để hoàn thành bộ Văn Học Miền Nam . Anh cũng tìm đến thư viện Đại Học Cornell, khu Đông Nam Á châu phải nói là nơi có đầy đủ sách báo miền Nam nhất (họ còn lưu giữ được cả những tờ truyền đơn của Bộ Chiêu Hồi). Đắm mình trong khu thư viện Á Châu, lục lọi, tìm tòi, ghi chép, làm photocopy cho đến sẩm tối . Không phải một ngày mà nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm. Nhờ vậy mà nhiều chục ngàn trang thơ văn của miền Nam trong Thư Ấn Quán đã được phục hồi.

Với hùng tâm và dũng khí của một người chiến sĩ thám kích nên THT rất liều lĩnh với những bước chân khai phá. Người bạn đời đã cùng anh chia sẻ những ngày tháng truân chuyên tại quê mẹ, nay vẫn sát cánh bên anh trong chí hướng cao cả này. Rời nhà lúc trời còn tối vì mắt anh yếu nên Yến giúp anh lái xe. Khi trời sáng là đến phiên anh lái vì đường đi rất nguy hiểm, có đoạn là đường núi, nhiều khi tuyết đóng băng đông đặc. Cả hai đã có lần suýt chết vì tai nạn trên những đoạn đường mưa tuyết trơn trượt.

Trong suốt 11 năm (2001 – 2012) Ngọc Yến đã đồng hành và giúp anh rất nhiều trong việc thực hiện các công trình phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam

Tôi thật sự khâm phục cho hùng tâm và dũng khí của một người đã từng cầm bút, đã từng chiến đấu để bảo vệ lý tưởng tự do. Nay đang dành những ngày tháng còn lại của cuộc đời để chiến đấu gần như đơn độc để bảo vệ di sản cao quý nhất còn lại của một dân tộc.

Thế nhưng lòng khâm phục của tôi còn dành cho những ngày cuối cuộc đời của đôi uyên ương quyết tâm chống chọi với tử thần để được sống và để còn được nhìn thấy nhau.

Năm 2012 một tai họa đã ập đến với gia đình Hoài Thư-Ngọc Yến: Yến bất ngờ bị một cơn stroke đánh gục. Nhìn Yến không thể ngồi, đứng,một nửa thân hình không còn hoạt động, với Thư thì Yến vợ anh đã bị đóng đinh khổ nạn từ đây.

Nhưng tai họa vẫn tiếp tục giáng xuống liên tiếp khi Yến còn bị một con stroke thứ hai rồi thứ ba. Đến tháng 5/2015 Yến không còn sống ở nhà mà cần được chăm sóc 7/24 trong một nursing home. Bác sĩ bảo đó là cách duy nhất để cứu Yến và cứu cả Trần Hoài Thư đang gần kiệt sức sau những năm tháng đơn độc hết lòng chăm sóc vợ hiền.

Mấy tháng đầu năm 2020 bắt đầu trận đại dịch, các Nursing Homes trên toàn nước Mỹ là nơi viếng của lưỡi hái tử thần. Từ Nursing Home,Yến đã phải nhập viện vì bị nhiễm coronavirus. Với bao nhiêu là bệnh nền chỉ tin là có phép lạ đã cứu Yến thoát chết. Tuy nhiên nàng bây giờ chỉ còn là một pho tượng khổ hạnh, vô tri vô giác, mắt nhìn vào một cõi vô minh nào đó!

Nhưng rồi họa vô đơn chí, tháng 6/2020 đến lượt THT cũng bị cơn bão tai biến: những ngón tay không giữ được cái muỗng để tự xúc cơm ăn, nói chi là gõ máy trên bàn phím! Tinh thần chiến đấu với THT đã trở thành bản năng thứ hai: thay vì các bài tập thô sơ trong bệnh viện, các cô therapists tập cho anh cách bốc lượm đồ, cách lắp ráp để xếp hình với các mảnh gỗ. Dần dần qua ít tuần lễ, anh đã làm chủ được mười ngón tay. Sau đó anh lại say sưa viết. Anh làm việc như người sợ mình sẽ bị cạn kiệt quỹ thời gian!

“Lực bất tòng tâm”! Tinh thần chiến đấu chỉ giúp anh khôi phục phần nào năng lực của các ngón tay nhưng sức khỏe toàn thân thì đã đổ dốc theo sau những năm tháng dốc toàn tâm, toàn lực chăm sóc vợ hiền rồi để nhìn nàng im lìm trong cơ thể bất động. Trong mùa đại dịch ở Mỹ không có mưa Ngâu, nhưng nỗi xúc động dâng trào khi nhìn thấy hình ảnh của Ngưu Lang Chức Nữ thời đại chỉ được gặp nhau 15 phút bên ngoài cửa Nursing Home: nàng nằm bất động trên chiếc giường di động, chàng run rẩy vịn walker nhìn người bạn đời đau buốt, tê tái!

Thế mà đã 46 năm trôi qua, với đời người như một cơn gió thoảng, với lịch sử chỉ là một chớp mắt,nhưng lại là một chặng đường rất dài đầy trải nghiệm những tang thương . Thêm một chớp mắt nữa, thế hệ những người cầm bút 1954-1975 đều trở về cát bụi . Một số sẽ được nhắc qua với tác phẩm của họ. Thế nhưng nói đến Văn Học Miền Nam thì phải kể đến cuộc sống đọa đầy và cả những cái chết tức tưởi của họ trong các trại tù cộng sản. Không thể có một “cuốn sách trắng ( white book)” về thời kỳ đó mà một Wikipedia phải được mở ra như một “bộ nhớ” cho các thế hệ Việt Nam tương lai. 

Tên tuổi của những văn nghệ sĩ trong thời gian trước, trong và sau cuộc nội chiến vượt thoát ra hải ngoại ngày càng thiếu vắng trên diễn đàn văn nghệ. Tại đây ngoài sự ra đi của những văn thi sĩ đã thành danh khi còn ở trong nước, tôi đã thật sự tiếc nuối khi không còn đọc được những bài tham luận của nhà bình luận lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Rồi bàng hoàng vô cùng trước sự ra đi đột ngột của ca nhạc sĩ Việt Dzũng. Tiếp theo sự từ giã cũng rất bất ngờ các chương trình rất hay của đài Hồn Việt và những bài viết rất đa dạng, uyên bác trên mục “Thư Gửi Bạn Ta” của nhà bỉnh bút tài hoa Bùi Bảo Trúc. Gần đây nhất là tin buồn về tình trạng sức khỏe mong manh của nhà văn Huy Phương.

Ngẫm lại thân phận của riêng hai chúng tôi trong suốt những năm dài bị tù tội, đọa đầy thật chẳng có thấm vào đâu với những bi kịch đau lòng, những chuyến vượt biển đầy hãi hùng, gian truân của đôi bạn đời tuyệt vời này. Với niềm cảm kích từ đáy lòng, tôi xin dành trọn vẹn niềm kính trọng, ngưỡng mộ và cầu nguyện cho đôi uyên ương Hoài Thư – Ngọc Yến đã dành cho nhau một tình yêu bất diệt. Trên hết, hình ảnh mãi đọng trong tâm tư tôi là một Trần Hoài Thư miệt mài ngồi khâu vá lại các trang sách cũ bị rách. Và hình ảnh Hoài Thư tóc bạc phơ, chống cây gậy walker đứng lặng phía bên ngoài để đăm đăm nhìn vào bên trong qua lớp cửa kính Ngọc Yến đang nằm bất động trên chiếc giường di động của một nhà dưỡng lão!  Thân xác của họ đang bị giãn cách nhưng tâm hồn, linh hồn của họ đã và sẽ mãi mãi bên nhau!

Với tôi Trần Hoài Thư thật là một tấm gương “Gìn Vàng Giữ Ngọc” tuyệt hảo. Với niềm tin tôn giáo riêng của mình, xin các độc giả cùng góp lời cầu nguyện cho đôi uyên ương với tình yêu thủy chung tuyệt diệu này.

Lê Phương Lan

Bài này đã được đăng trong Tin Tuc Nội Bộ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.