DẠY HỌC: NGHỀ HAY NGHIỆP
Tác giả: Lê Phương Lan (Phu nhân K1 Nguyễn văn Vinh)
Bài được viết nhân ngày lễ Bế Giảng năm học online đặc biệt 2020-2021 và cũng là để chuẩn bị bài cho tập san kỷ yếu nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường GLVN giáo xứ Chúa Ba Ngôi sắp đến.
Một con người trưởng thành và có trách nhiệm luôn phải tìm cho mình một công việc để mưu cầu cuộc sống cho chính mình và cho gia đình. Một khi công việc này cứ mãi theo ta hay là đã trở thành động lực hướng dẫn ta trong cuộc sống thì nghề này nay đã trở thành nghiệp. Đó chính là “nghề nghiệp” của mình.
Đối với tôi thì công việc dạy học là một nghề và nghiệp thật đúng nghĩa. Đầu tiên công việc này đến với tôi thật tình cờ: Vào đầu năm 1974 tôi có dạy học tại trường trung tiểu học Chí Thiện một thời gian rất ngắn. Nhưng cũng chính nhờ đó mà đến mùa nhập học sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 do nhu cầu cấp bách cần phải mở lại các trường học tại Sài Gòn của chính quyền mới mà tôi được gọi cho đi dạy lại. Vào thời điểm này nghề dạy học như một cái phao cấp cứu cho gia đình tôi qua khỏi một thảm họa phải bị đuổi ra khỏi thành phố để đi vùng kinh tế mới. Tôi được phân công dạy môn Văn hai cấp lớp 8 và 9 tại trường trung học Đắc Lộ. Rất may cho tôi là vào những năm đầu chương trình ngữ văn cũng còn được đưa thêm vào những áng văn thơ cổ . Bên cạnh những “Dũng sĩ Điện Ngọc”, “Dáng Đứng Việt Nam” vẫn còn có được “Hịch Tướng Sĩ”, “Bình Ngô Đại Cáo”để cho tôi đưa vào lòng yêu nước chân chính cho các em học sinh . Nhất là vẫn còn “Kim Vân Kiều” một tác phẩm mà trong đó tính chất giàu đẹp của tiếng Việt đã được thi hào Nguyễn Du sử dụng tuyệt vời trong nghệ thuật tả người, tả cảnh, tả tình đến nỗi học giả Phạm Quỳnh đã nhắc nhở hậu thế rằng:”Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.
Người dân thành phố Sài Gòn lúc này đang vật vã tìm đủ mọi cách để kiếm sống dưới bàn tay sắt của người chủ mới. Nhưng chính lúc đó tình người trong gia đình, trong khu xóm, trong học đường đã được thể hiện rõ nét nhất. Trong suốt cuộc đời đi dạy học đây là giai đoạn cảm động nhất mà tôi luôn khắc ghi trong tâm khảm. Các học sinh của tôi lúc bấy giờ cũng đủ lớn để thấy được hiện trạng đất nước. Khi đến thăm các em đã thấy hoàn cảnh của gia đình tôi. Các em nam sinh thì tình nguyện đến giúp cô giáo đóng lại trần nhà đã gần như bị rớt ra vì mưa dột. Các em nữ thì cứ đến gần ngày đi thăm nuôi chồng tôi lại đến giúp tôi làm bánh chế biến từ bột mì và khoai lang được mua theo khẩu phần từ hợp tác xã. Cảm động nhất là khi em Hoa, một nữ sinh lớp 9 sau buổi học phải đẩy xe bán trái sê ri nhưng đã có lần em ghé vào nhà để đưa cho tôi một chén thịt kho mắm ruốc rất mặn. Em còn dặn tôi ”Cô để dành ít thịt này để đi thăm nuôi thày!”
Tuy nhiên, dù tình thày trò có tha thiết đến đâu tôi cũng phải đành bỏ nghề sau bốn năm dạy học vì đồng lương không còn đủ nuôi sống gia đình!
Cho đến khi biết được rằng gia đình chúng tôi sẽ được đi định cư tại Mỹ tôi cũng không mảy may nghĩ đến việc trở lại nghề cũ.
Sau khi được đến tái lập nghiệp tại miền đất Cali trù phú ngày 20 tháng 5 năm 1991, tôi hăm hở tìm hiểu các nghề mà một số người quen giới thiệu như nhận may hàng gia công, nghề làm tóc, làm móng tay hay theo một người bạn phụ nấu ăn trong một xe Lunch cung cấp thức ăn nóng cho các cơ sở kỹ nghệ điện tử.
Lần thứ hai nghề dạy học đã trở lại với tôi hoàn toàn không nằm trong dự tính. Nguyên nhân là do việc chúng tôi bất ngờ có được thêm một bé út nên tôi quyết định đi học trở lại khởi đầu tại Evergreen Valley College để có thêm tiền trợ cấp học bổng. Tuy nhiên, niềm mơ ước được quảng bá nền văn hóa Việt Nam chính là động lực thúc đẩy và rất may mắn cho tôi là đã được bước vào nghề dạy học thật đúng lúc. Tôi đã được học với tiến sĩ Mai Đào lúc đó đang phụ trách các giáo trình nhằm đào tạo các thày cô giáo cho chương trình song ngữ tiếng Việt (Vietnamese Bilingual Program) của San Jose State University. Giáo sư Mai Đào đang rất cần người phụ tá khi bà được cấp ngân sách mở trường Việt Ngữ Kiểu Mẫu tại đây. Tôi được giáo sư Mai Đào giao cho việc giảng dạy và soạn bộ sách dạy học vần cho các lớp Việt Ngữ.
Tôi ra trường SJSU năm 1997 và bắt đầu đi dạy khi chương trình song ngữ vẫn còn trong giai đoạn huy hoàng và học sinh Việt Nam có mặt khá đông trong các học khu tại quận hạt Santa Clara. Lớp học tôi được giao cho dạy thực tập khi chuẩn bị vào nghề là một kỷ niệm rất đẹp. Đó là một lớp dạy mùa hè mà học sinh toàn là các cháu Việt Nam ngoan ngoãn vô cùng trong đó có hai anh em Khoa và Thư. Sau này Khoa đã trở thành linh mục Khoa Vũ và đã từng phục vụ tại giáo xứ Saint Francis of Assisi .
Cho dù sau này chương trình dạy song ngữ không còn nữa, hàng năm tôi vẫn luôn cùng với các bạn đồng nghiệp liên tục giới thiệu các nét văn hóa Việt trong hai ngày hội truyền thống là Tết Trung Thu và nhất là trong ngày Tết Nguyên Đán. Trong mỗi chương trình văn nghệ những màn hợp ca, các màn vũ dân tộc luôn được tham gia bởi các giáo viên và học sinh người Mỹ, Mễ của toàn trường.
Dạy học tại nhà trường Mỹ có những khó khăn riêng của nó. Trong một xã hội tự do dân chủ thì quyền góp ý, phê phán của phụ huynh ngay cả của học sinh đã được pháp luật bảo vệ. Thày cô giáo cũng chỉ được đối xử như những người công chức của chính phủ mà thôi. Tuy vậy cũng không thiếu những món quà kỷ niệm được lưu giữ nói lên lòng biết ơn và trân trọng của phụ huynh và học sinh trong suốt 20 năm dạy học của tôi.
Tôi bắt đầu để ý đến các chương trình dạy Giáo lý và Việt ngữ khi cô con gái út được đi học Giáo lý và Việt ngữ tại giáo xứ Saint Patrick. Lòng nhiệt thành trong việc giữ vững đức tin và gìn giữ văn hóa dân tộc thúc giục tôi tham gia vào việc dạy học tại giáo xứ Chúa Ba Ngôi từ khi Sơ Trần Lệ Huyền Angeline nhận chức hiệu trưởng tại đây năm 2005 cho mãi đến bây giờ. Tôi yêu thích và hăng say với công việc dạy học Giáo Lý và Việt ngữ còn hơn là việc dạy học chính tại nhà trường công lập. Theo tôi thì việc dạy học chính quy dù cho đó là sự chọn lựa đúng nhất của tôi thì dẫu sao vẫn chỉ là một “nghề” vì qua đó sức lao động bằng trí óc của tôi đã được trả công. Việc dạy học tại giáo xứ mới chính là “nghiệp” mà tôi thiết tha, gắn bó. Các thày cô giáo tại đây làm việc hoàn toàn tự nguyện, vô vị lợi. Chúng tôi làm việc hoàn toàn là vì lòng yêu thương thế hệ trẻ. Khi yêu thương thật lòng chúng ta luôn muốn để dành những gì tốt nhất cho người mình thương.
Giáo dục là món quà tốt nhất. Sự học cần thiết cho cả đời sống tinh thần lẫn đời sống vật chất. Mục đích của giáo dục chẳng những để đào luyện cho con người trở nên giỏi giang về mặt kiến thức (knowledge) và kỹ năng (skills) mà còn làm cho con người trở nên cao thượng (noble), để có sự nhận định, suy xét đúng đắn (wise judgment). Cái đẹp của học vấn là không ai có thể tước đoạt được kiến thức của mình “The beautiful thing about learning is that no one can take it away from you” (B.B. King). Mà cái đẹp nhất trong đời người còn gì hơn là có một đức tin cao đẹp và một nền văn hóa truyền thống dân tộc?
Đức tin của tôi là tin vào một Đấng Toàn Năng:
Tiến sĩ Phan Như Ngọc bị nhồi nhét thuyết vô thần từ nhỏ và lớn lên trong lòng xã hội chủ nghĩa. Nhân một chuyến công tác ở nước ngoài ông đã xin tỵ nạn và đã xin gia nhập đạo Thiên Chúa. Ông viết: ”Tính muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên, tính di truyền kỳ diệu: hạt giống nào sinh trái đó, con người từ hàng ngàn năm qua vẫn sản sinh ra con người, vẻ đẹp tuyệt vời của hoa lá, sự hài hòa và hoàn thiện của cơ thể con người, sự hùng vĩ của vũ trụ, thiên nhiên; tất cả những cái đó cộng với ý kiến của các vĩ nhân mà tôi hằng kính phục, chính là sự chứng minh tuyệt vời làm cho tôi tin rằng phải có Đấng Sáng Tạo.”
Khoa học dẫn đến Thiên Chúa:
Bác học Becquerel:”Nhờ nghiên cứu khoa học đã dẫn tôi đến Thượng Đế và tôi có đức tin.”
Bác học Isaac Newton khi nhìn thấy sự kỳ diệu và trật tự của bầu trời đã thốt lên:”Tôi thấy Thượng Đế qua viễn vọng kính!”
Bác học Albert Einstein:” Khoa học không tôn giáo là mù lòa, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt.” “Tôi chưa hề gặp điều gì trong khoa học của tôi mà lại đi ngược với tôn giáo.” “Sự ác là do vắng bóng Thượng Đế trong tâm hồn.”
Charles Nicolle, người đoạt giải Nobel Y học năm 1928:”May mắn thay trong tôn giáo có những bí nhiệm. Nếu không tôi sẽ hoài nghi nó, vì cho rằng tôn giáo do trí óc con người tạo ra. Bí nhiệm làm tôi vững tâm. Đó là dấu ấn của Thiên Chúa.”
Bác học Chevreul:”Tôi không thấy Thiên Chúa vì Ngài thiêng liêng, nhưng tôi thấy công trình tạo dựng của Ngài.”
Bác học Edison đã ghi vào sổ vàng khi ông đến thăm tháp Eiffel:”Edison hết sức khâm phục và ca ngợi tất cả các kỹ sư, trong đó gồm cả Thiên Chúa.”
Bác học Diderot:”Chỉ cần cái cánh và con mắt của con bướm, cũng đủ diệt tan mọi lý lẽ của kẻ vô thần.”
Văn hóa truyền thống dân tộc:”Văn hóa là những gì còn lại sau khi đã quên hết những gì đã học tại học đường” (Culture is what remains after one has forgotten everything he learned in school.) Albert Einstein
Thật đúng như vậy, sau một cuộc đổi đời tang thương, những gì còn lại trong tôi bây giờ không phải là những công thức toán, vật lý, hóa học mà chính là văn hóa truyền thống dân tộc, là kết quả của một nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa. Đó là một nền giáo dục nhân bản (lấy con người làm gốc), dân tộc (tôn trọng giá trị truyền thống dân tộc), và khai phóng (mở rộng, không bảo thủ, tiếp nhận văn hóa, văn minh nhân bản thế giới). Một nền giáo dục mà tôi không hề bị dạy dỗ phải căm thù, dối trá mà chỉ là yêu thương, nhân đạo từ những câu ca dao, tục ngữ dạy tình thương yêu đồng bào:”Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”, dạy sống sao cho trong sạch”Đói cho sạch, rách cho thơm” cho đến bài học trong Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi:”Thương người như thể thương thân… Thấy ai đói rách thì thương. Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn”. Tôi đã được học lịch sử hào hùng của dân tộc, những thi ca, hùng ca của tiền nhân mà không phải là những anh hùng được ngụy tạo. Nhưng do vận mệnh xót xa, cả một công trình gây dựng trong 20 năm của nền văn học của miền Nam Việt Nam sau 1975 đã bị hủy diệt với từng núi sách bị đốt phá trên các đường phố! Chỉ riêng nhà sách Khai Trí số lượng sách bị đốt là 60 tấn sách!
Viết đến đây tôi nhớ lại bài thơ của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:
Vịnh Bức Dư Đồ Rách (bức dư đồ: tấm bản đồ)
Kìa bức dư đồ thử đứng coi.
Sông sông núi núi khéo bia cười!
Ông cha xưa gắng công gìn giữ.
Mà nay con cháu lấy làm chơi!
Thôi thì đáng trách thay đàn trẻ!
Thôi, để rồi ta sẽ liệu bồi!
Ngày nay nhờ vào những tiến bộ vượt bậc trong kỹ nghệ tin học người dân trong nước đã có thể tìm hiểu và nói lên những sự kiện chính thực mà không còn phải mang tâm trạng như các văn thi sĩ của vụ án Nhân Văn Giai Phẩm tại Hà Nội(1955-1957):”Bút tôi ai cướp mất rồi! Tôi sẽ dùng dao khắc văn trên đá!” nhất là những người dân Việt đang được định cư tại các nước tự do, với phương tiện thông tin sẵn có cả hai chúng ta cùng cố gắng tìm đọc những bản văn gốc, những bộ sách lịch sử, văn học chân chính để trân trọng gìn giữ và bồi đắp những viên ngọc quý còn lưu trữ lại được. Người Việt hải ngoại xin hãy trải rộng ký ức của mình để làm những chứng nhân lịch sử xác thực nhất cho con cháu, để bảo vệ tiếng nói là linh hồn và văn hóa truyền thống là vốn liếng quý nhất của dân tộc Việt Nam.
Đó cũng chính là những gì tốt đẹp nhất mà tôi đã có được nhờ công ơn gìn giữ của các bậc tiền nhân hàng ngàn năm qua văn chương truyền khẩu, qua văn chương bác học (tên gọi của nền văn chương chữ Hán và chữ Nôm) nhất là qua nền văn hóa của miền nam Việt Nam thời kỳ cận đại . Và công việc dạy học vẫn mãi là một NGHỀ NGHIỆP được viết bằng nét chữ hoa trân trọng nhất của tôi.
Lê Phương Lan
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Có liên quan
Bài này đã được đăng trong
Tin Tuc Nội Bộ. Đánh dấu
đường dẫn tĩnh.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.