CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ…_Lê Phương Lan

CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ…

Tác giả: Lê Phương Lan (Phu nhân K1 Nguyễn văn Vinh)

Viết để riêng tặng các em thân yêu.

Tháng Tư mà cứ nhắc đến những câu chuyện buồn thì chỉ làm cho “Dột lòng mình cũng nao nao lòng người” (thơ Nguyễn Du). Vậy hôm nay người viết xin đổi đề tài để kể lại cho các em, con cháu và mọi người thân quen về những kỷ niệm vui để chứng minh rằng trong gian khổ chúng ta vẫn có những nụ cười và niềm hạnh phúc.

Bắt đầu bằng những kỷ niệm sau ngày 30 tháng 4, 1975. Sau ngày này thì hai cột trụ chính trong gia đình là bố tôi và ông xã đã trở thành tù nhân! Mẹ thì bị thương nặng. Anh tôi là chuẩn úy mới ra trường nên thân phận cũng mong manh lắm! Chỉ còn mấy chị em đều phải dựa vào nhau để tìm đủ phương cách mà kiếm sống. Trong những tháng ngày đầu, tôi và cô em kế là hai chị lớn phải bán rau muống, cà ghém ngoài chợ thì hai cô em nhỏ nhất được mẹ giao cho hai ấm trà đá và mấy cái ly nhựa. Hai đứa khởi hành từ nhà thờ Ba Chuông sang đến chợ Ông Tạ. Đến trưa trở về nhà hai ấm trà cạn trơn mà không có đồng nào trong tay! Hỏi ra mới biết là hai đứa rao hàng rát cổ quá nên đã chia nhau uống hết sạch hai ấm trà đá! Cô em thứ năm có tài nấu nướng, may mặc nên buổi tối ra đầu ngõ kê vài cái ghế gỗ bán khô mực nướng và nước sinh tố. Cô lại còn kiêm luôn nghề thợ may. Cô vừa mới mở hàng được vài bữa thì có một chị đến đặt may cho một bé trai bộ đồ gồm quần tây và áo sơ mi. Chẳng may cu tí “cháu ngoan bác hồ” này lại có thân hình bụng ỏng, đít teo, nên khi cứ cắt may theo lý thuyết thì lúc cháu mặc vào người áo và quần vạt trước đều bị kéo xếch lên cả tấc! Cũng may là nhà vẫn còn xấp vải cùng loại mua ở hợp tác xã để may đền cho khách hàng!

Tôi và cô em kế tuy sau này có được đi dạy học một thời gian nhưng sau vì đồng lương chết đói, không đủ nuôi sống gia đình và còn phải để dành lương thực để đi thăm nuôi hai người thân yêu đang bị giam cầm ở “hai phương trời cách biệt”, nên cũng phải bỏ nghề để ra bán hàng ngoài lề đường. Chúng tôi xoay sở đủ mọi mặt hàng để buôn bán. Tuy nhiên, một kỷ niệm cười ra nước là khi hai chị em bán guốc. Lúc bấy giờ đóng guốc là phải đóng đế cao su vào guốc, rồi đo chân khách hàng để đóng quai. Đây là công đoạn khổ nhất! Mỗi khi khách đến chừng hai, ba người là hai chị em quýnh lên, đóng búa cả vào ngón tay bầm tím! Một hôm, hai chị em đóng xong đôi guốc cho một khách hàng lựa chọn loại quai rất kiểu cọ. Khi cô ta xỏ chân vào guốc bước đi hai chị em mới nhận ra rằng mình đã đóng lộn ngược vị trí của quai vào cả hai chiếc guốc, nhưng hai đứa nín khe không dám gọi người khách quay trở lại vì sợ rằng có tháo ra chưa chắc đã biết đóng lại làm sao cho đúng!

Một kỷ niệm nữa cũng đáng cười ra nước mắt lại cũng liên quan đến đôi guốc. Đó là thời gian kinh hoàng nhất của người dân thành phố trong đợt “đánh tư sản”. Khi nhà cửa của những người “tư sản” hay bị gán cho là “tư sản” đều bị xông vào lục tung để ngang nhiên cướp đoạt tài sản. Còn chủ nhân thì bị đuổi đi các vùng “kinh tế mới”! Lo sợ rằng gia đình mình có thể bị xem là đối tượng của chính sách này có thể bị lục soát bất cứ lúc nào nên theo ý kiến của mẹ chồng tôi, tôi đục phía dưới đôi guốc to bản đều từ trên xuống dưới, nhét vào đó những tư trang của hai mẹ con, đóng đế cao su lại để mang theo khi đi dạy học. Trên đường đạp xe đến trường rồi sau đó lại đạp xe từ trường về nhà, mặt mày tôi vẫn còn bị tái nhợt đi vì sợ hãi. Nhất là khi đạp xe qua các ngã tư có công an đứng gác, chỉ sợ vô phúc các mối đinh đóng dưới đế guốc sút ra khiến mấy gói nữ trang đó bị rớt tung tóe ra mặt đường!

Thời gian qua, đến năm 1991 cả hai gia đình chúng tôi đều được đi định cư tại Mỹ. Và đây là những mẩu chuyện vui xảy ra trong thời gian đầu còn “chân ướt, chân ráo”: Gia đình riêng của hai chúng tôi qua Mỹ trước và được hai ân nhân người Việt bảo trợ đến thị trấn San Pablo gần thành phố Oakland, California. Sau hai tuần lễ đầu quan sát, hai chúng tôi không muốn quá nhờ vả vào lòng tốt của họ nên quyết định tìm cách tự đi chợ để mua thức ăn Việt Nam tại Oakland bằng xe bus. Trước khi bước lên xe, tôi cẩn thận xem trên đầu xe bus có chạy chữ “Oakland”. Vào trong xe, tôi đưa tờ giấy 20 đồng, người tài xế lắc đầu, ra hiệu tay là không có tiền thối! Tôi đi suốt từ đầu đến cuối trong xe không ai có đủ tiền lẻ để đổi cho chúng tôi! Tôi đành phải xuống xe ở trạm kế để kiếm ra người đổi tiền rồi mới tiếp tục cuộc hành trình! Mua thức ăn xong, chúng tôi quay lại đúng vị trí của chỗ xe bus đã thả chúng tôi xuống nhưng mấy chuyến xe chạy qua mà không thấy xe nào có chạy chữ”Oakland” mà chỉ toàn là “Richmond”! Sau cùng tôi leo lên một xe vừa chạy tới để hỏi xem. Thì ra Richmond cũng là một địa điểm của San Pablo và xe bus thì lại chạy chữ theo mỗi điểm xe chạy đến!

Lại cũng lên quan đến chuyện xe cộ trong buổi đầu bỡ ngỡ: Khi dọn về San Jose ông xã tôi thi đậu bằng lái xe trước tiên nhưng chưa có đủ tiền mua xe. Trong khi chú em rể chưa có bằng lái mà đã mua lại được một chiếc xe Toyota cũ. Hôm đó hai chúng tôi và hai vợ chồng cô em cùng đi khám sức khỏe. Đang khi lái xe thì trời đổ mưa xối xả. Hơi nước mờ mịt trong chiếc xe bị đóng kín cửa mà không ai biết sử dụng cái nút heater để làm khô hơi nước! Trong hoàn cảnh “nguy cấp” này chú em rể không ngớt trấn an ông anh:”Anh bình tĩnh lái xe nghe! Đừng lo! Để em lau cửa kính xe cho anh cho!”. Hai chị em tôi ngồi ở băng sau cứ thế xé và vò nát mấy trang giấy của tờ báo “Thằng Mõ” để đưa cho chú em lau kiếng xe! Vừa đến nơi thì hết mưa và tờ báo cũng chỉ còn lại hai tờ bìa!

Khi biết được mình đã có thai cháu út, tôi quyết định đi học để trở lại để bước vào nghề dạy học. Tôi bắt đầu ghi danh học tại Evergreen Valley College. Bước đầu học Anh ngữ cũng có mấy chuyện vui để nhớ: Đầu tiên tôi có vài người bạn Mỹ, Mễ trong đó có cô bạn Mỹ rất dễ thương. Tôi muốn khen cô bằng câu nói đơn giản:”You are my best friend.” nhưng vì chưa biết cách ”xì gió” hai phụ âm cuối của chữ”best”nên khi phát âm chỉ nghe ra như “bết, bát” thôi! Tôi thấy lông mày cô hơi nhíu lại nên phải nói lại và đánh vần chữ “best”. Nghe xong cô cười và giúp tôi sửa cách phát âm cho đúng chữ mà mình muốn diễn tả này!

Lần khác, trong lớp học về Writing tôi được bà giáo rất thương mến với những bài viết kể lại những kỷ niệm tại quê nhà của tôi. Một hôm bà muốn sửa lại cho tôi một bài văn tôi còn nhớ có tựa đề” The Boy With a Window on His Shirt” trong đó tôi viết – hơi hư cấu- câu chuyện về thời thơ ấu của ông xã. Tóm tắt bài viết: “Ông xã tôi mồ côi cha từ nhỏ nên hai mẹ con sống rất khó khăn. Thuở nhỏ khi đi học, anh chỉ có duy nhất một chiếc áo đồng phục trắng. Một hôm vì vô ý anh làm rách áo ở ngay trên ngực. Mẹ anh phải cặm cụi vá lại chiếc áo bằng một miếng vải trắng cũ. Rồi một ngày kia anh nhất định không chịu đến trường vì bị bạn bè chọc ghẹo là “thằng nhỏ với cái áo có cửa sổ”. Và rồi sau đó anh đã khóc khi mẹ cho anh xem chiếc áo dài cưới trắng đã cũ. Chiếc áo mà mẹ giữ mãi nay đã mất một miếng để lấy vải vá vào chiếc áo bị rách cho anh!” Bà giáo xem xong muốn sửa văn phạm và ngữ pháp của bài văn để đọc cho cả lớp nghe. Ở Việt Nam thì khi muốn gọi ai người gọi để bàn tay úp xuống, nhưng tại Mỹ thì người gọi lại mở bàn tay hướng lên dùng mấy ngón tay để vẫy gọi. Khi bà vẫy gọi tôi như vậy vào lúc cuối giờ học, tôi lại đang vội vã ra về vì sợ lỡ chuyến xe bus. Tôi hồn nhiên vẫy chào:”Bye teacher! See you tomorrow!” Hôm sau bà đến gần bàn học và hỏi hôm qua tại sao tôi không đến gặp bà. Khi nghe tôi giải thích sự hiểu lầm biểu hiện về cách gọi, bà cười thông cảm và dặn tôi hôm nay ở lại để bà giúp cho sửa lại bài văn!

Lần khác nữa cũng làm tôi toát mồ hôi hột. Hôm đó là ngày thi về cách sử dụng computer là môn học mới mẻ mà tôi sợ nhất. Tôi làm bài thi trên computer mấy câu đầu thì máy cho comment “Good” rồi đến “Excellent”. Khoảng năm câu hỏi cuối thì cứ thấy hiện lên chữ”Terrific”! Làm đi làm lại cũng vẫn cứ”Terrific!” Tôi muốn khóc luôn! Thầy giáo phụ trách thấy gần hết giờ mà tôi còn khổ sở quá! Thấy tôi gần như muốn khóc với kết quả, thầy tiến đến xem rồi ngạc nhiên lắm:”Look! You are OK! Terrific means very good!” Oh! My God! Từ nãy đến giờ tôi cứ ngỡ terrific là terrible!

Trong chập chùng nỗi nhớ vẫn có những niềm vui thật là ngây ngô, dễ thương làm sao! Thời gian trôi qua đã hơn “bảy mươi năm cuộc đời” mà bộ nhớ của tôi vẫn “còn một chút gì để nhớ, để quên”: Nhớ quê hương, nhớ người thân, nhớ bạn bè với bao kỷ niệm đẹp, quên đi những hận thù, những tiếc nuối về tất cả những gì đã mất mát. Tôi nghĩ rằng những mất mát về vật chất chúng ta vẫn có thể tự nỗ lực xây dựng lại được. Chỉ sợ những mất mát, tổn thương về tinh thần mà phải cần đòi hỏi sự tha thứ, thông cảm của cả hai bên liên hệ.

Anh cả đã mất! Chị em chúng ta nay đều đang vác trên vai sáu, bảy bó tuổi đời. Ngày nhắm mắt xuôi tay trở về cát bụi không biết đến lúc nào nhưng chắc cũng không còn xa lắm nữa! Chỉ sợ rằng lúc đó khi gặp mặt Chúa, Ngài sẽ không hỏi rằng chúng ta đã có được bao căn nhà, mà chỉ hỏi xem chúng ta thực thi được những gì Ngài đã dạy. Rồi chúng ta cũng sẽ gặp lại những người thân yêu đã khuất. Lúc đó, điều chúng ta cần là phải sửa soạn ngay từ bây giờ hai cách sẽ được đón tiếp: một là cúi mặt để tránh cái nhìn trách móc hay là được ngẩng lên tươi cười đón nhận sự thương yêu của bố mẹ.

Lê Phương Lan (Trích từ FB Lan Lê Nguyễn)

Bài này đã được đăng trong Tin Tuc Nội Bộ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.