Thư Ngỏ Gởi Ông Đinh Quang Anh Thái_FB Buu Vo

THƯ NGỎ KÍNH GỬI ÔNG ĐINH QUANG ANH THÁI

Đinh Quang Anh Thái: Bác Năm Tường 'Phi Lạc Náo Chí Hòa' | Uyên NguyênLá thư này tôi viết hơi dài; cho nên, có nhiều người không thích đọc. Tôi xin tóm tắt mong muốn trình bày của tôi trước khi đăng nguyên văn, đó là:

– Xã Hội Chủ Nghĩa là sự cấu kết của nền kinh tế chỉ huy và chế độ chính trị chuyên chính (độc tài). Như vậy đừng bao giờ nghĩ rằng có tình trạng dân chủ trong một quốc gia Xã Hội Chủ Nghĩa, ngoại trừ cái được gọi là dân chủ tập trung. (Sic! Dân chủ nhưng phải là tập trung). Chiêu bài Dân Chủ Xã Hội của những chính trị gia đảng Dân Chủ ở Mỹ là một cái gì đó tạm gọi là đánh tráo khái niệm.

– Cá nhân những chính trị gia và cả những tập đoàn chính trị hô hào ủng hộ, kích động những người theo chủ nghĩa Vô Chính Phủ chỉ là một thủ thuật (thủ đoạn) để chiếm quyền lực. Tư tưởng độc tôn, độc đoán của những người theo Xã Hội Chủ Nghĩa khiến họ muốn chiếm lĩnh công quyền đơn cực; do vậy, khi đạt được toàn bộ quyền lực, họ không thể nào chấp nhận vô chính phủ và chính phủ đa nguyên. Họ chỉ phải chấp nhận đa nguyên khi chưa đủ mạnh để độc chiếm công quyền. Họ khuyến khích tinh thần vô chính phủ để làm suy yếu chính phủ mà họ đang tranh dành quyền lực. Hơn nữa, khi những người theo Xã Hội Chủ Nghĩa chiếm đoạt được độc quyền cai trị thì họ chỉ chấp nhận từ bỏ quyền lực lúc không còn lối thoát nào khác để tập đoàn chính trị của họ tồn tại.

– Bảo hiểm y tế và phúc lợi xã hội chỉ có thể hình thành và tổ chức một cách tốt đẹp tùy theo tỉ lệ giữa sự giàu có của quốc gia và dân số. Hứa hẹn của những chính trị gia theo Xã Hội Chủ Nghĩa (dù dưới bất cứ hình thức nào, tên gọi nào, ở bất cứ mức độ nào) chỉ là những lời lẽ dối trá, là miếng bánh vẽ khi bảo rằng bảo hiểm y tế và phúc lợi xã hội trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa là tốt nhất, chu toàn nhất.

Vì vậy, thư ngỏ nầy không chỉ gởi đến ông Đinh Quang Anh Thái, tôi muốn gởi đến tất cả những ai tin vào viễn cảnh tốt đẹp do các chính trị gia đảng Dân Chủ vẽ ra khi đánh bóng cái gọi là Dân Chủ Xã Hội.

Lão Gàn

(Hăm tám, Tám, hai mươi)

Vào thư:

THƯ NGỎ KÍNH GỬI ÔNG ĐINH QUANG ANH THÁI:

* Trước nhất, xin nói rõ, tôi không là một nhà báo, không là một chính trị gia. Tôi chỉ là một loại mà người ta thường gọi là vô danh tiểu tốt. Vì thế, tôi cũng cảm thấy e ngại khi phải nói nghịch ý với ông, một ngôi sao sáng trong ngành truyền thông Việt ngữ ở Mỹ.

* Thứ nhì, tôi không quen biết, không thường xuyên nghe chương trình phát thanh của ông để có thể có đồng cảm hay ác cảm. (Chỉ có vợ tôi thích nghe, tôi có nguồn thông tin khác. Thi thoảng, tình cờ nghe hoặc muốn chìu lòng người bạn đời). Tôi muốn minh thị như thế để chứng tỏ những gì tôi viết ra dưới đây là kết quả của sự suy nghĩ có lý trí, không phải từ cảm tính hay cảm tình.

* Bây giờ, tôi vào chuyện.

Tôi tình cờ nghe một chương trình phát thanh ông khuyên những người Việt Nam đừng sợ chữ Xã Hội Chủ Nghĩa (Socialism), ông nói xong thì cười cười. Tôi không hiểu lắm hàm ý của nụ cười đó. Sau đó, ông đưa ra nhiều thí dụ về sự hiện hữu của chủ nghĩa Xã Hội đang ảnh hưởng cách tổ chức công quyền và hoạt động chính trị ở các nước Tây Phương. Thật ra, không riêng gì ông, ngay cả các chính trị gia Dân Chủ của Mỹ cũng nhập nhằng giữa Chủ Nghĩa Xã Hội Dân Chủ (Democratic socialism) và Dân Chủ Xã Hội (Social Democracy). Cả hai khuynh hướng chính trị này đều muốn dẹp bỏ Tư Bản Chủ Nghĩa với khuôn mặt “mềm mỏng” hơn loại Xã Hội Chủ Nghĩa sắt máu để “tiến nhanh, tiến mạnh” lên xã hội Cộng Sản Chủ Nghĩa. Loại “sắt máu” gọi loại “mềm mỏng” một cách khinh bỉ là loại chủ nghĩa do dự, dù rằng tất cả bọn họ đều muốn giết chết nền kinh tế Tư Bản và chế độ chính trị Cộng Hòa. Khác nhau giữa các “trường phái” Xã Hội Chủ Nghĩa là cách tạo cơ hội hoặc tận dụng cơ hội để chiếm lấy quyền lực chính trị mà thôi.

Tại sao tôi dám khẳng định như thế? Đơn giản là vì cấu trúc quyền lực chính trị và phương thức sản xuất có quan hệ hữu tương và chỉ định hình thức tổ chức của nhau. Khi nói đến phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa thì đương nhiên không ít thì nhiều phải có sự độc đoán (mà sự độc tài ở các mức độ khác nhau) của chính phủ trong cách tổ chức sản xuất và phân phối lợi tức xã hội.

Chủ nghĩa Tư Bản, trong lịch sử phát triển của nó từ lúc còn “hoang dại”, cho thấy luôn có những sự sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với các giai đoạn phát triển của xã hội, một xã hội đặt căn bản hoạt động trên quy luật cung cầu trong thị trường sản phẩm tiêu dùng và cả trên các yếu tố sản xuất (trong đó yếu tố lao động mang tính nhân văn, cũng là đầu mối gây tranh cãi nhiều nhất). Quy luật cung cầu là một quy luật thuần lý và tự nhiên. Khi nhu cầu tiêu dùng giảm, chủ tư bản bó buộc phải giảm bớt tốc độ sản xuất, giảm bớt nhu cầu lao động cho đến khi cần thiết phải tăng trở lại do nhu cầu sản xuất tăng. Người Việt Nam trong các hãng xưởng đã tuyệt vời khi dùng thành ngữ “cá ăn kiến, kiến ăn cá” để chỉ hiện tượng nầy. Chính phủ Tư Bản chỉ là trọng tài cho cuộc chơi này. Các Tòa Án Lao Động ở Mỹ thường rất vô tư, thậm chí có vẻ bênh vực người lao động vì đó không phải là tranh chấp giữa các cơ sở sản xuất của chính quyền với người lao động (như ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa) mà là tranh chấp giữa chủ tư bản và người lao động.

Vâng thưa ông cái mấu chốt để phân biệt giữa Xã Hội Chủ Nghĩa và Tư Bản Chủ Nghĩa là cách quản lý tài sản của xã hội. Tôi dùng chữ tài sản để nói chung lực lượng lao động, tài nguyên thiên nhiên, và sản phẩm làm ra, dĩ nhiên là cả nguồn vốn (tức tư bản). Cách thức tái phân phối lợi tức xã hội bằng hệ thống thuế, hệ thống an sinh xã hội cũng chỉ là hệ quả của cấu trúc tư bản chủ nghĩa sau khi đã điều chỉnh nhiều lần qua nhiều thời kỳ, qua nhiều biến cố xã hội để duy trì nguồn vốn lao động bên cạnh các nguồn vốn khác. Khác với xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa, ở đây không có chuyện chính quyền ban phát đặc quyền, đặc ân cho ai cả. Không có chuyện chính quyền can thiệp sâu vào hoạt động của công dân để hướng hoạt động xã hội theo chiều hướng này hay chiều hướng khác, thông thường là từ suy nghĩ, tư duy chủ quan của những người lãnh đạo hơn là từ cái nhìn khách quan trên sự biến chuyển của nhu cầu xã hội. Ở xã hội Tư Bản, các thành viên của xã hội, và xã hội tự biết điều chỉnh hướng đi của mình để tồn tại. Không có nền kinh tế chỉ huy. Không có hoạt động kinh doanh của chính quyền, ngoại trừ những hoạt động sản xuất hoặc dịch vụ vượt quá khả năng đầu tư của cá nhân hay tập đoàn chủ tư bản.

Vì vậy,trong cấu trúc xã hội Tư Bản Chủ Nghĩa chính quyền không phải là một ông kẹ như trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa, ông kẹ dùng khái niệm “quản lý tài sản chung, tài sản tập thể, tài sản toàn dân” để thâu tóm quyền lực về phần mình. Ai cũng phì cười (nhưng dấu trong bụng) khi tài sản toàn dân không được dân quản lý, (nghĩa là định đoạt quyền sử dụng), quyền đó dành cho một dúm người được mệnh danh là người quản lý, họ quản lý bằng và bởi luật lệ do họ làm ra, ai chống lại là phản động, là phá hoại, v.v… Bởi vậy, khi lấy lý do lợi ích xã hội để chiếm lấy chính quyền, dù là ở mức độ “mềm mỏng” hay “sắt máu” thì trước sau gì chính phủ đó cũng là một chính phủ độc tài tìm mọi cách “dữ dằn” để giữ vững sự chuyên chính của mình.

Ông Đinh Quang Anh Thái đừng ngạc nhiên khi tại sao khá đông người Việt tị nạn rất sợ khi nghe chính trị gia Dân Chủ đưa ra chiêu bài lợi ích xã hội, công lý xã hội, v.v… nghĩa là dính líu đến Xã Hội Chủ Nghĩa dù là dân chủ hay không dân chủ (nói chính xác là chính quyền độc tài đến cấp độ nào). Người ta sợ mất quyền tư hữu. Người ta sợ mất quyền được suy nghĩ độc lập. Người ta sợ phải tư duy theo một khuôn rập về một thứ gì đó mà mình cho là hoang tưởng nhưng cứ bị nhồi nhét bằng các phương thức gọi là giáo dục tư tưởng từ bộ máy tuyên truyền của một nhóm thiểu số nhưng đầy quyền lực. Tôi thật sự không tự tin khi nghĩ rằng với chế độ bầu cử và tinh thần yêu tự do của đa số người Mỹ chính gốc thì khó mà có thể thực hiện chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ở đất nước nầy. Tuy nhiên, sẽ ra sao, nếu người ta lừa và lấy được chính quyền một cách hợp pháp, sau đó lại dùng quyền lực công quyền để hợp pháp hoá sự chuyên chính của họ. Tôi sợ lắm khi tưởng tượng sau khi ngủ một đêm, đến sáng nghe tuyên bố Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ trở thành Cộng Hòa Các Nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Khi đã là nước Xã Hội Chủ Nghĩa chuyên chính, việc trở lại một nước Cộng Hòa là chuyện thiên nan vạn nan. Người ta sẽ lạm dụng khái niệm dân chủ để tiếp tục sự chuyên chính của họ, dù họ thuộc bất cứ dân tộc nào. Giả sử có lật được sự độc tài, chuyên chính của một tập đoàn, thì chính quyền tiếp theo cũng thường là phương tiện cai trị độc tài của một cá nhân. Ông Đinh Quang Anh Thái nghiền ngẫm lịch sử cận đại là thấy được thí dụ.

Ông cũng đem Thụy Điển ra như là một thí dụ thành công của Xã Hội Chủ Nghĩa. Tôi vốn sợ Xã Hội Chủ Nghĩa nên tìm tài liệu xem như thế nào. Những gì mà tôi đọc được là như vầy. Đảng Dân Chủ Xã Hội Thụy Điển đã có nhiều lần cầm quyền kể từ sau đệ nhị thế chiến. Họ sử dụng một số nội dung trong học thuyết Marx làm tư tưởng chỉ đạo chính, nhưng các tài liệu tuyên truyền do họ phát đi vẫn ghi rõ: cơ sở lý luận của Dân Chủ Xã Hội là đa nguyên, cơ sở giai cấp rộng rãi, nhưng chủ yếu là giai cấp công nhân.

(Ông thấy không? Như vậy làm sao tôi tin được rằng các chính trị gia đảng Dân Chủ duy trì dân chủ thật sự, nếu không phải là cái nền dân chủ được gọi là dân chủ tập trung. Làm sao tôi tin rằng các chính trị gia đảng Dân Chủ chỉ nghĩ đến phúc lợi xã hội, lợi ích công cộng mà lại bỏ qua một cấu trúc kinh tế chỉ huy cộng với một chính quyền độc tài cá nhân hay độc tài nhóm, khi mà các yếu tố đó phải kết cấu với nhau mới hình thành được Xã Hội Chủ Nghĩa. Như thế, làm sao mà tôi không thể không tin những chính trị gia thuộc đảng Dân Chủ không hướng cái đích cuối cùng của họ là Cộng Sản Chủ Nghĩa).

Trở lại Thụy Điển, bước sang thế kỷ 21, Đảng Dân Chủ Xã Hội Thụy Điển đã không còn duy trì được vị thế áp đảo của mình trong nền chính trị Thụy Điển như trước. Trong cả hai cuộc bầu cử năm 2006 và 2010, đảng này đã không thể đánh bại được liên minh các đảng phái cánh hữu. Năm 2014, mặc dù giành số phiếu bầu cao nhất, nhưng đảng này chỉ có thể lập được một chính phủ với thiểu số nhân sự của Đảng Xanh. Năm 2018, số phiếu bầu cho Đảng Dân Chủ Xã hội Thụy Điển vẫn cao nhất, nhưng về tỷ lệ thì bị tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1908, chỉ có 28,3%. Mặc dù theo cương lĩnh, mục tiêu của Đảng Dân Chủ Xã hội Thụy Điển là chủ nghĩa Xã Hội Dân Chủ, nhưng trên thực tế ngày nay đảng này được xem là một đảng có khuynh hướng dân chủ hoá xã hội nhiều hơn. Trong khi đó, một đảng phái lớn khác ở Thụy Điển thực sự nôn nóng thiết lập nên một nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa “nặng mùi” hơn, đó là Đảng Cánh Tả. Do có chính sách tương đồng nên đảng này liên minh với Đảng Dân Chủ Xã Hội Thụy Điển, trở thành liên minh Cánh tả. Năm 2018, Đảng Cánh Tả giành được 8% số phiếu, chiếm 28 ghế ở quốc hội, liên minh cùng với Đảng Dân Chủ Xã Hội Thụy Điển và Đảng Xanh thành lập chính phủ. (Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã). Trong những cuộc bầu cử gần đây ở Thụy Điển, một đảng cánh hữu là Đảng Dân Chủ Thụy Điển đang nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn, trong khi các đảng cánh tả thì ngày càng mất đi sự ủng hộ của người dân. Họ sợ.

(Ông Đinh Quang Anh Thái thấy không, dù vờ vịt đến mấy thì các người được ướp gia vị tinh thần bởi Xã Hội Chủ Nghĩa cũng phải xích lại gần nhau để cùng tiến lên Cộng Sản đại đồng. Các chính trị gia Cấp Tiến hoặc Dân Chủ ở Mỹ cũng đi theo con đường như thế đó).

Tôi sợ phải sống dưới sự cai trị của một chính quyền, của một tập đoàn đòi hỏi mọi công dân phải trung thành tuyệt đối, và phân chia sự trung thành đó dưới nhiều mức độ để ban phát những lợi ích, những tiện nghi trong cuộc sống. Ông cũng thừa hiểu tôi muốn nói tới nước nào. Tôi nói về nước Trung Cộng đó. Hi vọng là với kiến thức cộng với thông tin có được của một người chuyên nghiệp trong ngành truyền thông, ông không cho rằng tôi nói bậy về chuyện nầy.

Ông cũng thấy đó, những ngày gần đây người ta dùng khái niệm tự do để quấy phá và hô hào hình thành một quốc gia vô chính phủ, khu tự trị ở Seattle (Washington state) là một điển hình. Họ, những người nổi loạn và một số chính trị gia nắm sự lãnh đạo công quyền địa phương, đã tìm cách đánh gục các cơ quan trị an, nói trắng ra là tìm cách vô hiệu hoá hoạt động của lực lượng Cảnh Sát, bằng cách viện dẫn những lý do lấy ra từ những sự kiện cá nhân, riêng lẻ. Tôi không trách những người quấy phá, tôi thấy buồn vì hành động của những chính trị gia có vai vế đang giữ chức vụ trong các cơ quan công quyền, hoặc đã từng là Tổng Thống hay đã từng giữ chức vụ cao trong guồng máy chính quyền. Họ thừa nhận sự phá phách của những người Vô Chính Phủ là hợp lý, họ kích động hoặc khuyến khích những người tạo rối ren cho việc trị an. Họ muốn gì? Họ muốn duy trì quyền lực họ đang có bằng phương thức ve vuốt sự manh động hung hăng. Họ muốn quyền lực vẫn mãi mãi trong tay của họ, khi bị vuột đi thì phải tìm mọi cách để nắm lại quyền lực bằng mọi thủ thuật hợp pháp. Khi không thể dùng phương thức luật định cho việc ứng cử, thì họ lạm dụng sự nổi loạn, sự chống đối có bạo lực để thực hiện tham vọng thầm kín của họ. Họ tổ chức, thành lập, tập hợp một nhóm hàng chục ngàn người để tạo ra sức mạnh chính trị, thế mạnh chính trị cho tham vọng thầm kín của họ. (Nghe nói về một lực lượng mấy mươi ngàn người của ông cựu Tổng Thống Obama, tự nhiên, tôi rùng mình liên tưởng đến Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh ở Việt Nam hiện nay, hay, trước đây, những thanh niên non choẹt có tên là Hồng Vệ Binh thời Cách Mạng Văn Hoá ở Trung Cộng). Với những chính trị gia như thế, ông nghĩ tôi có thể tin tưởng được cái gọi là dân chủ, là nhân quyền, là lợi ích xã hội, v.v… trong những cương lĩnh, trong những chiêu bài chính trị do họ đưa ra sẽ không bóp chết cái tiêu chuẩn tự do của Tư Bản Chủ Nghĩa?

Đọc đến đây thì chắc ông cũng đánh giá tôi thuộc loại “cuồng Trump”. Buồn cười, thói quen hiện nay của một số người Việt mình là bĩu môi chê “cuồng Trump” khi ai không ủng hộ đảng Dân Chủ. Đối với họ “cuồng Trump” là một tính chất xấu xa lắm. Đối với họ, ủng hộ đảng Dân Chủ là biểu hiện của người tiến bộ, là người có tư tưởng cấp tiến. (Sic!). Riêng tôi, ông Đinh Quang Anh Thái đánh giá tôi thế nào cũng được. Nó không làm mất giá trị thật sự con người của tôi.

Nói thật, tôi không ưa cách nói năng và cách thể hiện tư duy của ông Trump. Cho nên, dù cho đảng Cộng Hòa cử một người khác cho cuộc tuyển cử trong tháng 11 này thì tôi vẫn ủng hộ đảng Cộng Hòa. Tại sao ư? Vì tôi không thích tự do phá thai. Vì tôi không thích việc hợp pháp hóa các cuộc hôn nhân đồng tính luyến ái. Vì tôi cũng không muốn chủ trương globalization tạo lợi lộc và vị thế thượng thừa cho Trung Cộng. (Không có một Trung Cộng giàu có thì người Tàu cũng đã khuynh đảo thế giới, làm điêu đứng chính quyền các quốc gia có dân tộc nầy kéo đến ở. Nếu Trung Cộng làm xếp xòng thế giới thì ai chịu nổi). Tôi không ủng hộ đảng Dân Chủ vì tôi không ủng hộ các cuộc di dân bất hợp pháp, các cuộc di dân công khai phá hoại biên giới của nước Mỹ, phá hoại hệ thống pháp luật về di trú của nước Mỹ. (Điển hình là hiện tượng immigration caravan của những người hô hào quan điểm ai muốn đến nước nào ở là quyền của người đó, không có bất cứ chính phủ nào được quyền cấm cản). Tôi chán đảng Dân Chủ vì tôi không cảm thấy ưng ý, kính phục các chính trị gia của đảng Dân Chủ khi họ tán thành (tôi không muốn dùng chữ “đồng loã”) với sự bạo động của những người Vô Chính Phủ. Tôi cảm thấy họ xuống giá khi (chỉ vì lá phiếu cho kỳ bầu cử sắp tới) đã quỳ gối trước quan tài của một criminal bị Cảnh Sát vô ý làm chết trong khi hành sự. Nhằm mục đích hốt phiếu bầu, các chính trị gia đó đã biến kẻ vi phạm hình sự thành một kẻ tử đạo. (Có nhiều người đã lập luận rằng họ giúp ông Trump xoa dịu cơn bạo động. Trời ạ, sao ông Trump ngu thế! Không biết cám ơn đối thủ chính trị tốt bụng đã giúp cho mình thoát hiểm). Còn nhiều lý do nữa tôi không kể hết, sợ làm phiền tai ông, một người ủng hộ đảng Dân Chủ.

À quên, chỉ xin nói thêm một chuyện nữa. Ông Đinh Quang Anh Thái so sánh bảo hiểm y tế và phúc lợi xã hội ở Mỹ với một số nước khác để chứng minh rằng Xã Hội Chủ Nghĩa hơn hẳn Tư Bản Chủ Nghĩa, và thậm chí, về mặt nầy Mỹ còn thua một số nước anh em cùng chế độ chính trị và kinh tế. Trước nhất, liên quan đến Thuỵ Điển, tôi chỉ xin đưa ra một ví dụ thực tế trong phạm vi gia đình nhưng tôi nghĩ cũng đúng trong phạm vi quốc gia: hai gia đình giàu có tương đương, nhưng gia đình ít con sẽ dễ dàng bỏ nhiều tiền hơn để chăm sóc con so với gia đình đông con dù là có giàu hơn chút đỉnh. So sánh Mỹ và Thụy Điển theo cách đó có hợp lý không, thưa ông? (Đó là tôi vờ như quên có một hệ thống bệnh viện của chính phủ ở các thành phố đông đúc mà mức độ dịch vụ của họ tốt hơn nhiều nước Xã Hội Chủ Nghĩa, vì người phục vụ không có tư tưởng ban cấp lợi ích cho bệnh nhân. Thậm chí các hệ thống bệnh viện tư của các tập đoàn cũng lấy việc chữa bệnh cho bệnh nhân cần điều trị khẩn cấp trước khi đặt vấn đề chi trả). Úc Đại Lợi cũng đã từng là một quốc gia tiêu biểu về bảo hiểm y tế và phúc lợi xã hội cao. Nhưng, hiện nay, do kinh tế không còn khoẻ khoắn, cũng giảm bớt sự hào phóng trong các quy định về bảo hiểm y tế và phúc lợi xã hội. Tôi mong rằng Canada không đi vào lối mòn của Úc.

Nhân chuyện bảo hiểm y tế, tôi cũng muốn nêu ra một trong những lý do khiến tôi mất tin tưởng ở lời nói hoa hoè hoa sói của các chính trị gia đảng Dân Chủ, đó là chuyện Obama Care. Khi còn đương quyền, ông cựu Tổng Thống Obama nầy hùng hồn tuyên bố là “Mọi người Mỹ PHẢI CÓ bảo hiểm sức khỏe”, (hất mặt lên, hài lòng nghe tiếng vỗ tay náo nhiệt của khán phòng); nhưng sau đó, khi thực hiện thì mới vỡ lẽ ra là “Mọi người Mỹ PHẢI MUA bảo hiểm sức khỏe”. Theo quy định đó, ai không mua thì bị phạt. Trước đó, những người đảng Dân Chủ còm hăm là ông Trump sẽ cắt phúc lợi xã hội của người già, những người già cả như tôi khi ấy rầu muốn chết.

Như vậy mà biểu tôi tin họ thì làm sao tin được. Giả dụ, ông Trump có làm Tổng Thống một lần nữa nhưng nước Mỹ không great again như slogan của ông ấy thì tôi cũng chỉ buồn chút chút. Làm việc nước mà không có sự đồng lòng, lại bị thọc gậy bánh xe, bị phá bỉnh suốt cả nhiệm kỳ, thì chịu sao thấu. Thế mà, trời ạ, lại bị đổ thừa là gây chia rẽ dân tình. Của đáng tội!

Nếu ông ấy thất cử kỳ nầy thì cũng mừng cho ông. Yên hưởng tuổi già trong sự giàu có, có được do kinh doanh từ trước khi làm Tổng Thống, không phải hưởng lợi lộc nhờ giữ chức vụ công quyền như nhiều người khác. (Thậm chí, có người kéo dài “nhiệm vụ thiêng liêng” đến mấy mươi năm!).

Như thế mà lão già ngổ ngáo đó khoẻ hơn là làm Tổng Thống.

Thôi nhé, xin chúc ông Đinh Quang Anh Thái vui, khoẻ, và may mắn.

Lão Gàn

(Hăm tám, Tám, hai mươi)

(Copy từ Facebook Buu Vo)

Bài này đã được đăng trong Tin Tuc Nội Bộ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.