ĐƯỜNG LÊN TÂY BẮC (2)
Lời người viết: Bài này thoạt đầu được gửi lên Facebook chỉ là một đoạn văn ngắn để lưu lại một kỷ niệm đẹp theo dòng thời gian của cuộc đời người viết. Nay ông chủ CNN có nhã ý muốn bài này được đăng lên trang nhà của gia đình cảnh sát khóa 1. Nên mới có ”Đường Lên Tây Bắc 2” ghi thêm vào một số cảm nhận trong cuộc hành trình như một đóng góp để đón chào Căn Nhà Nhỏ vừa mới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10.
♠
“Đường lên Tây Bắc quanh quanh,”
“Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”
Sau gần ba tháng chuẩn bị cho cuộc “Tây Bắc cận du”, vừa thoát khỏi bị con covid nhốt là gia đình chúng tôi đã lên đường trên chiếc xe van để được thưởng thức cảnh đẹp mà thiên nhiên đã dành tặng cho nước Mỹ. Xe chạy bon bon trên một quãng đường có “triệu thông reo vi vu” dài hơn năm tiếng đồng hồ lái xe chỉ toàn là cánh rừng thông trùng điệp trải dài hai bên đường. Có những đoạn đường uốn lượn qua đèo “non xanh nước biếc lung linh chân trời” khiến cho tôi nhớ đến bài thơ “Bình Minh Trên Đèo Cả” ngậm ngùi của những lần đi thăm nuôi năm xưa như một câu chuyện cổ tích!
Trạm dừng chân đầu tiên là leo xuống những bậc đá để ngắm nhìn thác Burney Fall. Gia đình cô con gái đi xuống tận nơi tuôn đổ của ba dòng thác lớn và hàng chục dòng nhỏ đang cuồn cuộn chảy để chụp hình thắng cảnh . Hai chúng tôi vì “ta biết ta đã già” nên dừng chân lại đúng chỗ đủ để góp mặt với đời vài tấm hình có các dòng thác tuôn đổ là đủ rồi!
Theo lời yêu cầu của cô bé cháu ngoại muốn đến thác McCloud Waterfalls là trạm kế tiếp để được bơi trong dòng suối. Nơi đây, dòng thác giảm cường độ tạo thành một con suối êm đềm, có bờ cát khá mịn màng để khách thưởng ngoạn có thể tắm mát. Tại đây, hai chúng tôi không muốn phô trương các đường cong đã phát triển ”ngoài quy trình” nên chỉ là du khách ngắm nhìn trẻ con, người lớn bơi lội mà thôi!
Ngôi nhà thờ để gia đình chúng tôi tham dự thánh lễ cuối tuần là St Anthony’s Church. Một thánh đường nhỏ xíu với cả 6 du khách đến từ San Jose mới đếm vỏn vẹn được 38 người tham dự!
Khách sạn ngủ qua đêm cũng đầy đủ tiện nghi nhưng hơi vắng vẻ. Chủ nhân của khách sạn, đầu bếp của nhà hàng mini cạnh đó, và người quản lý của cả hai cơ sở này vẫn chỉ là một người!
Trưa hôm sau thì chúng tôi đã đến được Portland, thăm gia đình chị Bông. Mối thâm tình kể cả “thiên tình sử” của ”chuyện bốn người” đã được ghi lại trong bài viết “Duyên Hạnh Ngộ”. Chỉ nhắc lại sơ qua là anh Nguyễn Ngọc Bé và ông xã tôi đây là bạn đồng môn, cùng tốt nghiệp Khóa 1 Học Viện CSQG, cùng đi tu nghiệp Mã Lai và cũng là bạn “đồng sàng” vì cả hai ăn cùng mâm, nhưng ngủ … khác giường do cùng ở chung một quán trọ khi cả hai cùng phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến Đà Lạt.

Chúng tôi lạc nhau trong cơn biến động của cả nước. Khi tìm lại được nhau trên đất Mỹ thì anh Bé đã ra đi. Từ đó mối “duyên hạnh ngộ” đã dẫn đưa chúng tôi khắn khít với nhau. Tôi và Bông cùng chung một sở thích yêu văn chương, thơ ca, âm nhạc. Chỉ có điểm khác biệt là món ăn nào được đôi bàn tay của Bông thoăn thoắt chế biến thì dù đơn sơ, dân giã cũng trở thành các món sơn hào hải vị. Còn tôi, sau cuộc chiến đấu vất vả với nồi niêu, xoong chảo thì được ông xã và các con ngậm ngùi với một lời khen:”Món này của em/mẹ làm có giá trị dinh dưỡng cao!”
Trên đời này mọi tình cảm dẫn đến đều tùy “duyên”. Nhờ “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” mà gia đình hai bên chúng tôi đến với nhau rất tự nhiên, thân mật như thân nhân ruột thịt. Gia đình những người con của Bông là một điển hình cho sự thành công trên thương trường của các hậu duệ người Việt tỵ nạn cộng sản tại Mỹ. Tuy nhiên, điểm rất đáng ngưỡng mộ là sự đoàn kết, tương trợ, trên thuận dưới hòa trong các anh em với nhau. Thể hiện qua công trình xây dựng trung tâm giải trí Liggle Land tại Tigard Oregon, một cơ sở rộng lớn, rất quy mô, hiện đại với đầy đủ Virtual Reality Arcade Bar cho người lớn và ba gian phòng trang trí mỹ thuật cho việc tổ chức các tiệc sinh nhật cùng với khu vui chơi, playground rộng lớn cho trẻ em. Một công trình lớn lao như vậy mà được hoàn thành nhờ bàn tay khéo léo đóng góp của tất cả những người con trong gia đình này.
“Ta đến với nhau với tất cả chân tình”. Cơn nhân tai đại dịch cúm Vũ Hán vẫn còn đang đe dọa nhân loại với các biến thể của chúng. Một ngày gặp nhau là thêm một ngày vui, thêm một kỷ niệm trân quý cho cả hai chúng tôi trong “buổi hoàng hôn” của cuộc đời còn lại.
Lê Phương Lan
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Có liên quan
Bài này đã được đăng trong
Tin Tuc Nội Bộ. Đánh dấu
đường dẫn tĩnh.